Lao khớp háng đứng thứ 2 sau lao cột sống và thường gặp ở trẻ nhỏ lứa tuổi thiếu nhi.
- Hỏi: Gần nhà tôi có đứa trẻ đi khám, bác sĩ nói bị lao khớp háng. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm không? Nguyễn Thị Hợi (Hải Dương).
|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Trần Đình Chiến, Bệnh viện 103 trả lời: Lao khớp háng đứng thứ 2 sau lao cột sống và thường gặp ở trẻ nhỏ lứa tuổi thiếu nhi. Trực khuẩn lao xâm nhập gây thương tổn lao ở tổ chức xương xốp đầu xương và các thành phần của khớp.
Phần lớn trường hợp ổ lao ở đầu trên xương đùi gần bờ trên của chỏm xương đùi và ổ lao ở gần hõm khớp của xương chậu. Bệnh nhân cảm thấy đau trong khớp háng, đau tự phát, mức độ vừa, có khi thấy đau ở khớp gối, đau ở khớp háng tăng lên khi đấm ở mấu chuyển lớn hoặc đấm vào gót chân.
Người bệnh thấy sưng nề mặt trước khớp háng, hạch bẹn sưng to, các cơ mông, cơ đùi teo nhỏ dần, đi lại tập tễnh... Khi hõm khớp bị phá hủy rộng thì chỏm xương đùi lọt vào trong khung chậu.
Về điều trị, bệnh thường dùng thuốc đặc trị lao kết hợp phẫu thuật. Thông thường sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ bao khớp, màng hoạt dịch viêm lao, đục nạo sạch ổ lao...
PV (ghi)
[links()]