Tổng bí thư làm TB chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng

Google News

Thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và lập lại Ban Nội chính Trung ương

Thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và lập lại Ban Nội chính Trung ương; tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý...

Sau 9 ngày làm việc, chiều 15/5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc.

Hội nghị đã thống nhất ban hành các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới một số chính sách xã hội, tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Ảnh: TTXVN
Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc sau 9 ngày làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà hội nghị đã đạt được.

Sửa Hiến pháp: Lấy ý kiến nhân dân

Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng bí thư nhấn mạnh, đây là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng của hội nghị lần này. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là yêu cầu khách quan, cần thiết. Trung ương đã xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, cơ bản tán thành nhiều nội dung; đồng thời tiếp tục nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn.

Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.

Về quy trình sửa đổi, hội nghị thống nhất, cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa XI), tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Cùng với việc cho ý kiến về định hướng những nội dung cơ bản cần bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trung ương cũng đã góp nhiều ý kiến quan trọng vào các phương án cụ thể, làm rõ hơn những mặt được, mặt chưa được của mỗi phương án để Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục cân nhắc, lựa chọn.

Quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu

Hội nghị nhất trí cho rằng: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn sống của nhân dân; là tài sản, là nguồn lực to lớn của đất nước. Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn và thực thi đầy đủ, đúng đắn hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước... Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp.

Lập lại Ban Nội chính Trung ương

Hội nghị nhất trí cho rằng, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hoá hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công; trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng".

Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh thành về phòng chống tham nhũng. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bảo đảm an sinh xã hội

Về chính sách xã hội, BCH Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới phải nghiêm túc quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, coi việc không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và là trách nhiệm của toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.

Muốn thế, phải tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt luật pháp, chính sách và các nhiệm vụ, giải pháp về xã hội với trọng tâm là tạo việc làm, thu nhập; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh khó khăn.

Các chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của đất nước; ưu tiên cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, bảo đảm công bằng và bền vững, có tính chia sẻ giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đồng thời giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia...

Soát lại lương trong doanh nghiệp nhà nước

Về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, Trung ương yêu cầu, trong năm 2012 - 2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay; ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X). Nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI)… Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cùng với mức tăng và thời điểm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức… Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả.

Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngay sau hội nghị này, mỗi ủy viên Trung ương phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp ủy và chính quyền lãnh đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của hội nghị Trung ương lần này, cùng các nghị quyết khác của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ; bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

(Theo Vietnamnet, Tuổi trẻ, TTXVN

Bình luận(0)