“Tôi học sư phạm không phải để làm thầy“

Google News

Để "được làm thầy" thời nay khó lắm. Và học sư phạm cũng không hẳn là để làm giáo viên...

(Kienthuc.net.vn) - Để “được làm thầy” thời nay khó lắm. Và học sư phạm cũng không hẳn là để làm giáo viên...

Học sư phạm vì không mất tiền học phí

Trần Văn Đồng

Tốt nghiệp Khoa Toán - Tin trường ĐHSP Hà Nội với tấm bằng đại học loại giỏi nhưng Trần Văn Đồng (quê Nghĩa Hưng, Nam Định) lại xác định cho mình một hướng đi khác, không phải là nghề giáo viên, dù rằng với tấm bằng loại giỏi về quê, Đồng luôn luôn được đón nhận.

Hiện Đồng đang làm nhân viên cho Công ty Huyndai IT (Hà Nội) với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Đồng cho biết: “Mức lương hiện nay của tôi hiện nay không phải là cao nhưng so với mức lương cơ bản nếu tôi làm giáo viên có lẽ vẫn còn hơn. Nhưng quan trọng hơn là tôi được làm công việc phù hợp với khả năng và sở thích của mình”.

Cũng theo Đồng, lương giáo viên thấp cũng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Đồng nói lời chia tay với nghề giáo viên mà còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

“Tôi học sư phạm không phải để làm thầy giáo. Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi chưa bao giờ nghĩ sau này ra trường mình sẽ làm nghề giáo viên cả. Tôi tự thấy mình không thích hợp với nghề này. Lựa chọn trường sư phạm để học vì tôi nghĩ đây là một môi trường mà theo nhiều người vẫn thường hay nói vui là “thuần” và “lành”. Tuy nhiên nguyên nhân chính là vì ngành này không phải mất tiền đóng học phí. Điều này sẽ đỡ một gánh nặng đáng kể cho gia đình tôi vốn kinh tế rất khó khăn”, Đồng cho biết thêm.

Không chỉ riêng Đồng, một số sinh viên đang theo học trong các trường sư phạm cũng có chung suy nghĩ tương tự: Sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đi làm việc khác chứ không làm nghề giáo viên. Giải thích về việc lựa chọn học trường sư phạm, hầu hết trong số này đều cho rằng: “Nhà nghèo nên mới đi học sư phạm”, bởi học các trường sư phạm thì sinh viên sẽ không phải đóng tiền học phí; ngoài ra, cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường cũng rất mong manh.

Muôn nẻo gập ghềnh 

Làm thầy thời nay khó lắm. Cái “khó” ở đây được hiểu theo cả hai nghĩa: Khó vì ít cơ hội kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, và nếu có kiếm được việc làm thì cũng khó có đủ can đảm để theo đuổi nghề giáo viên.

a5.jpg
Trần Thị Mai Hương

Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn của Trường ĐHSP Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, song Trần Thị Mai Hương (quê Thái Bình) đành ngậm ngùi gác lại ước mơ “được làm cô giáo” ngày nào để lên Hà Nội đăng ký học tiếp lên cao học, dù không muốn thế. Các trường THPT của tỉnh Thái Bình trong các năm vừa qua không có nhu cầu tuyển thêm giáo viên. Với Mai Hương, học cao học không chỉ là để nâng cao trình độ mà còn là cơ hội để… được làm cô giáo, dù rằng đó là điều rất mong manh.

“Qua tìm hiểu tôi được biết ở tỉnh Thái Bình mấy năm nay, những giáo viên có bằng thạc sĩ thì được tuyển thẳng. Nhưng đó là mấy năm vừa rồi, không biết những năm tới chính sách trên có còn được áp dụng nữa hay không. Tôi rất lo”, Hương tâm sự.

Không lựa chọn đi học tiếp cao học như Mai Hương, sau khi tốt nghiệp sư phạm trường ĐH Thái Nguyên, Đỗ Văn Hùng (quê Thanh Hóa), chấp nhận đi dạy học theo hình thức hợp đồng ngắn hạn (3 tháng ký một lần) với một trường THPT ở khu vực miền núi với mức lương mỗi tháng vỏn vẹn không đầy… 1 triệu đồng.

Hùng cho biết: “Mức lương trên là do nhà trường tự chi trả bằng ngân sách của mình. Ở nhà mãi cũng chán, tôi sợ cái cảm giác “đói việc” lắm rồi. Biết mức lương đó là thấp, có khi chỉ đủ tiền xăng xe với điện thoại, nhưng còn hơn là không có việc. Đi dạy cho đỡ… nhớ nghề”.

Ngoài ra, cũng theo Hùng, trong một vài năm trở lại đây, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có nhu cầu tuyển thêm giáo viên vì số lượng giáo viên của tỉnh đã thừa ra quá nhiều.

“Tôi đang tính sẽ bỏ nghề dạy học để làm nghề khác. Quả thực tôi không thể sống bằng những đồng lương eo hẹp này được, còn bao nhiêu thứ phải lo, phải chi tiêu... Làm nghề dạy học thì cần phải can đảm, phải yêu nghề. Còn tôi thì không đủ can đảm để làm điều ấy”, Hùng buồn bã cho biết.

Hàng năm, mỗi trường sư phạm có hàng trăm cử nhân tốt nghiệp ra trường nhưng nhiều người không tìm được việc làm. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, hiếm hoi lắm ở một số tỉnh mới có chỉ tiêu tuyển giáo viên, nhưng mỗi năm cũng chỉ tuyển thêm khoảng vài chỉ tiêu giáo viên các cấp. Còn lại hầu hết đều rơi vào tình trạng “bão hòa”, đặc biệt là những tỉnh khu vực miền xuôi, các thành phố lớn.

Tại những tỉnh có chỉ tiêu tuyển giáo viên thì cũng chỉ theo kiểu “nhỏ giọt”, và cuộc cạnh tranh để “được làm thầy” cũng của sinh viên sư phạm ở các tỉnh này cũng vô cùng gian nan.

TS Nguyễn Việt Hùng

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, giảng viên Khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Hà Nội nhận xét: “Việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường đã và đang là vấn đề nan giải hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường buộc phải chuyển sang làm nghề khác. Ở nhiều địa phương, số lượng giáo viên dư ra rất nhiều nên hầu như liên tục nhiều năm không hề có chỉ tiêu tuyển giáo viên”.

 “Những giáo viên không được biên chế phải dạy hợp đồng thì quả thực lương rất thấp và cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ở các thành phố lớn thì không nói làm gì, nhưng ở các vùng nông thôn, với mức lương của giáo viên khi được biên chế chính thức như hiện nay thì cũng không thể gọi là thấp so với các ngành khác.

Nếu sinh viên sư phạm ra trường, về quê mà có việc làm và được biên chế chính thức thì có lẽ không ai nghĩ tới chuyện bỏ nghề cả. Mấu chốt chính là vấn đề việc làm cho sinh viên sư phạm”, TS Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm.

Hoàng Sơn

[links()]

Bình luận(3)

Minh Hiền

Nguyễn Hoài

Nếu ai chê nghề Giáo Viên thì hãy nghĩ lại coi ' nghề nào là nghề đã đào tạo mình có được địa vị như hôm nay. Và thử hỏi nếu không có các giáo viên thì có trường học có tổ chức thi cử không...?"

Minh Hiền

Nguyen

Việc thay đổi nghề không phải là chuyện hiếm thậm trí hiện nay có rất nhiều người học một chuyên ngành nhưng lại làm một công việc có thể hoàn toàn khác. Lý do là do thời điểm lựa chọn ngành học chưa xác định được ngành nghề phù hợp với khả năng, tính cách của mình. Có lẽ khi đó người ta chỉ nghĩ là thi được vào đại học!
Việc anh này học sư phạm mà không hành nghề sư phạm cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, việc anh này chọn nghề sư phạm để học và sau đó chuyển sang nghề khác có chủ định ngay từ đầu với lý do là để không phải đóng học phí thì quả là một sự tính toán và anh này không nên hành nghề sư phạm bởi sự mưu tính của anh này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mà anh này dạy dỗ. Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Nguyễn Hà

Minh Hiền

Nguyen Ha

May mắn cho ngành Giáo dục là đã không phải nhận người này về làm thầy. Và lương 15 triệu đồng/tháng mà chưa cao ư? Vậy anh còn muốn bao nhiêu nữa, bằng Bill Gate nhé!