"Mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không, nó vẫn tồn tại"- Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường
“Mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không, nó vẫn tồn tại”. Đây là nhìn nhận của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân hôm 24/7.
Ông Cường không phải là người đầu tiên nhưng là quan chức cao cấp nhất bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là chủ đề nhạy cảm và sẽ còn gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, tháng 6 vừa qua, Đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục CSĐT về TTXH (C45-Bộ Công an), đã bày tỏ: “Chúng ta nên có một sự nhìn nhận rằng mại dâm là một hiện tượng xã hội cần giải quyết lâu dài. Thực tế là vấn đề này Quốc hội cũng đang bàn luận. Có một số ý kiến nêu ra quan điểm công nhận đó như một “nghề” với những quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì sẽ quản lý dễ hơn”.
|
Ảnh Internet |
Sau ý kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, PV đã ghi nhận ý kiến của một số nhà nghiên cứu.
TS Lưu Hồng Minh (Trưởng khoa Xã hội học - Học viện Báo chí Tuyên truyền:
Nên thí điểm hợp pháp hóa
Dù có ngăn chặn kiểu gì thì hoạt động mại dâm cũng chỉ còn ít hay nhiều mà thôi. Các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan coi hoạt động mại dâm là một nghề hợp pháp. Tuy nhiên không thể so sánh Việt Nam với các nước này được. Mặc dù cùng là những nước Á Đông, nhưng quan niệm về “nghề mại dâm” của các nước này khác xa. Họ được tiếp cận nhiều với văn hóa phương Tây nên coi đó là nghề cũng dễ chấp nhận hơn ta.
Vấn đề bây giờ được xã hội đặt ra cho các nhà quản lý có nên coi đó là một nghề? Và nếu không cấm được thì có nên hợp pháp hóa không, hợp pháp hóa như thế nào?
Mại dâm chỉ là một hiện tượng xã hội thiểu số chứ không nên hiểu là tệ nạn xã hội. Dù có hợp pháp hóa nhưng cũng không thể coi đó là một nghề kiếm sống trong xã hội. Theo quan điểm cá nhân của tôi, định nghĩa về nghề cũng không thể đem áp vào hoạt động mại dâm. Rõ ràng, không thể thống kê được hiện tại có bao nhiêu người bán dâm nhưng con số thực tế quả là không ít. Nếu coi đó là nghề thì phủ nhận nhiều giá trị đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa của người Việt và hiện tại là sai pháp luật .
Hoạt động mại dâm có khi công khai, có khi lén lút nhưng nên thừa nhận nó thế nào. Theo tôi vẫn có thể thí điểm một mô hình hợp pháp hóa hoạt động mại dâm sau khi có những nghiên cứu toàn diện, thấu đáo ở nhiều góc độ xã hội, văn hóa, pháp lý. Hợp pháp hóa nó ở phạm vi nhỏ hẹp để quản lý, điều chỉnh cho phù hợp với các góc độ trên rồi từ đó có thể rút kinh nghiệm. Dễ hiều hơn là cần lập những khu chuyên biệt như một số nước để làm dần dần.
Tuy nhiên, quan điểm hợp pháp hóa dù thí điểm nhưng nếu không lường trước một số vấn đề liên quan như quy mô, tác động thì hậu quả xã hội sẽ rất xấu. Các nhà làm luật sẽ phải xét kỹ thời điểm, mức độ để có thể hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Vấn đề quan trọng nhất là về mặt quản lý xã hội hoạt động mại dâm như thế nào khi đã quy hoạch thí điểm các “phố đèn đỏ”.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Văn Kính:
Thừa nhận là đánh đổ văn hóa truyền thống
Coi mại dâm là một nghề tức là hợp pháp hóa mại dâm. Từ trước đến nay không lúc nào mại dâm được công khai ủng hộ. Kể cả những người mua dâm lẫn bán dâm đều có lúc thấy xấu hổ về những gì mình đã làm.
Văn hóa truyền thống được tạo dựng bao nhiêu thế hệ chứ không phải là một thời gian ngắn mà có. Tôi còn nhớ trước đây, chỉ cần ngoại tình là đã bị cả cộng đồng lên án, thậm chí tẩy chay và coi đó là “vô đạo đức” chứ không cần đến vấn đề mại dâm. Luật pháp chỉ quản lý con người ở mức tối thiểu nhưng đạo đức xã hội là tối đa. Với tôi, mại dâm (kể cả mua lẫn bán dâm) đều vi phạm đạo đức truyền thống lẫn pháp luật.
Hợp pháp hoạt động mại dâm, nếu có, sẽ “đánh đổ” văn hóa truyền thống dân tộc. Văn hóa truyền thống của đất nước có nhiều nét đẹp, nét xấu nếu có những hủ tục chưa bị bãi bỏ hay tiến bộ. Chống mại dâm là nét đẹp chứ không phải là hủ tục.
(Báo Đất Việt)
[links()]