Rải tiền thật trong đám tang: Tại sao khó xử lý?

Google News

Thời gian qua, xuất hiện một số trường hợp rải tiền thật khi đưa tang được dư luận phản ánh, gây bất bình, phản cảm đối với người dân.

- Thời gian qua, xuất hiện một số trường hợp rải tiền thật khi đưa tang được dư luận phản ánh, gây bất bình, phản cảm đối với người dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mệnh giá tiền thật được rải không lớn như 500đ, 1.000đ, 2.000đ, được quy đổi với số lượng lớn để rải cùng giấy vàng mã và tiền âm phủ. Điều này, ảnh hưởng đến nếp sống văn minh trong việc tổ chức đám tang, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, có dấu hiệu hủy hoại tiền tệ quốc gia. Vậy, hành vi rải tiền thật vì sao ít khi bị xử lý, theo tôi có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Theo quy định tại điểm e, Điều 10 Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL, ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội quy định "e) Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang". Mặc dù, quy định cụ thể nêu trên nhưng đối chiếu các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ lại không quy định cụ thể việc xử lý đối với hành vi này nên rất khó cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Chính vì vậy, để xử lý hành vi này cần thiết phải bổ sung hình thức xử phạt hành vi rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa để có cơ sở để xử lý.

Ngoài ra, mặc dù hành vi rải tiền thật trong đưa tang là rõ ràng vi phạm nhưng hành vi vi phạm trong lúc tang gia, đau buồn, nhạy cảm, nên không ai dám làm phiền khổ chủ, huống chi cơ quan có thẩm quyền tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính nên thường được bỏ qua, không thực hiện xử lý. Do vậy, để chấm dứt hành vi vi phạm các cơ quan có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý, không được ngại va chạm nhằm ngăn chặn hủ tục mê tín dị đoan này.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền loại bỏ các hành vi mê tín dị đoan trong cộng đồng dân cư chưa được triển khai tốt; việc tuyên truyền bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan vẫn còn chung chung, chưa cụ thể; chưa lấy tiêu chí để xét công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa hay gia đình văn hóa... Vì vậy, trong thời gian tới, việc rải tiền thật trong đám tang là hủ tục cần được loại bỏ vì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh truyền thống và vi phạm đến chính sách tiền tệ quốc gia, đồng thời gây phản cảm, mất an ninh trật tự...

Để thực hiện điều này cần phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân không có hành vi mê tín dị đoan, mặt khác cần phải bổ sung quy định cụ thể, chi tiết để áp dụng xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi rải tiền trong đám tang mà hiện nay vẫn còn là khoảng trống.

Vĩnh Linh (Kon Tum)
[links()]

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn Đặng Trấn

Không những rải tiền trong đám ma mà trong đám cưới cũng như vậy, cái này theo tôi đều là những sự thiếu hiểu biết. Đơn giản đó là rải tiền để cho hồn ma khỏi quấy phá, nhưng hồn ma thì làm gì tiêu tiền thật.
Một số hành vi của người dân mà chúng ta cần kiến nghị Giáo hội Phật giáo, ngành Văn hoá chấn chỉnh như:
- Rải tiền thật, giắt tiền vào tay phật khi đi lễ chùa.
- Vào chùa dâng sao, giải hạn. Cái này không có trong những lời dạy của Phật.
- Rải tiền khi rước dâu.