’Nhân dân’ không thi đua?

Google News

Trong danh sách 60 người được đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm nay, có tới… 59 người đương chức.

Trong danh sách 60 người được đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc của Ban thi đua khen thưởng Trung ương năm nay, có tới… 59 người đương chức.

Trong danh sách 60 người được đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc của Ban thi đua khen thưởng Trung ương năm nay, có tới… 59 người đang giữ chức vụ (quan chức).

Duy nhất người mang hơi hướng “chiến sĩ”, đó là ông Nguyễn Viết Đức, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Chức vụ nhỏ nhất cũng tầm hiệu trưởng, còn lại toàn cỡ bộ trưởng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình), thứ trưởng (Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ), cục trưởng, viện trưởng, giám đốc, phó giám đốc sở, bí thư tỉnh, chủ tịch huyện…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là một trong những "quan" đương chức được đề cử.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là một trong những "quan" đương chức được đề cử.

Có thể hiểu, 60 cá nhân trong danh sách được đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đợt này đều là những người ưu tú, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác chuyên môn, là tấm gương sáng về tài năng và nhân cách, tiêu biểu cho phong trào thi đua của cả nước.

Nhưng vì sao danh sách chỉ toàn những người có chức vụ cao mà vắng bóng những người công nhân đang lăn lộn trên công trường, xây dựng những công trình đưa đất nước lên tầm cao mới? Đâu rồi những người nông dân dãi nắng dầm sương, đối mặt với vô vàn thiên tai để trực tiếp làm ra hạt gạo, nuôi sống cả nước và mang đi xuất khẩu? Đâu rồi những chiến sĩ không tiếc tuổi thanh xuân, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương, hải đảo Tổ quốc?...

Vậy thì có không muốn cũng không thể không đặt câu hỏi: chẳng lẽ, chỉ có “quan” mới thi đua, còn công nhân và nông dân thì không? Và một khi người lao động đã đứng ngoài thì thử hỏi  làm sao thúc đẩy được phong trào thi đua?  Liệu có sự thiếu minh bạch, nể nang nào đó hay không?

Bác Hồ đã từng dạy, thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và thi đua trên tinh thần yêu nước. Khi thi đua đã trở thành phong trào thì tác dụng của nó đến lao động - sản xuất và sự phát triển xã hội là rất lớn. Nhưng khó ở chỗ là làm thế nào để thi đua trở thành phong trào.

Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh cứu nước, mọi người đều ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, bởi họ thấy được tiền đồ tươi sáng của dân tộc khi đánh đuổi xong quân thù. Đó chính là những động lực để mọi người ra sức thi đua. Ngày nay, đất nước đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh cứu nước và đi vào xây dựng, phát triển. Quy luật phát triển đòi hỏi cả tầng lớp lao động chân tay và lao động trí óc càng phải ra sức thi đua, cống hiến.

Muốn đẩy mạnh phong trào này, không gì khác là phải tạo ra những động cơ, động lực thi đua tương tự như thời kỳ trước.

Phát động thi đua ở mỗi một cơ quan, đơn vị cụ thể, thì người thủ trưởng, người đứng đầu không những phải gương mẫu, trong sạch mà còn phải làm cho từng người trong cơ quan, đơn vị đó thấy được tiền đồ phát triển của cơ quan cũng như của mỗi cá nhân.

Mỗi cá nhân đều phải được hưởng công bằng về cả chất lượng lẫn số lượng của những thành quả lao động. Khi được quan tâm tới đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng như thấy được tương lai tươi sáng của bản thân, có lẽ mỗi người sẽ tự bảo nhau thi đua chứ có khi không cần chờ phát động.

Liệu có thể kêu gọi được ai đó thi đua khi mà họ biết trước được rằng, dù có thi đua đến mấy thì đời sống vật chất và tinh thần của mình vẫn không được cải thiện, tương lai của mình vẫn bấp bênh; có thi đua đến mấy rồi các danh hiệu cuối cùng cũng về tay lãnh đạo, cấp trên?

(Theo ĐVO)

[links()]

Bình luận(0)