"Tôi tin một ngày không xa, luật về đồng tính, về mại dâm sẽ được đặt lên bàn nghị sự", đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói
“Tôi tin một ngày không xa, luật về đồng tính, về mại dâm sẽ được đặt lên bàn nghị sự”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói trong buổi tọa đàm “Mại dâm, đồng tính - những góc nhìn đa chiều” chiều 15/8.
Lý giải việc không chỉ người có hoàn cảnh khó khăn, sa cơ lỡ bước, cuộc đời éo le mà ngay cả những người có nghề nghiệp, thu nhập khá như người mẫu cũng tham gia bán dâm, ông Quốc cho rằng, mại dâm hiện tại ngoài lý do kinh tế còn có nguyên nhân khác liên quan đến văn hóa, xã hội hiện đại.
“Những chuyện đó liên quan đến đời sống tình dục, hôn nhân bị tác động bởi nhiều xu thế, rất dễ tạo ra trào lưu và từ nguyên nhân xã hội thuần túy nó lại trở thành nguyên nhân văn hóa và điều này nguy hiểm hơn rất nhiều”, ông Quốc nói.
|
Khách mời tham gia tọa đàm “Mại dâm, đồng tính - những góc nhìn đa chiều”. |
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, giải quyết mại dâm, ngoài mại dâm, môi giới, không thể không bàn tới vấn đề nhu cầu con người.
“Chúng ta đang phát triển, thành lập các khu công nghiệp lớn, nhưng những người công nhân rời gia đình đến đấy, khi họ có nhu cầu thì làm như thế nào? Người vợ ở hậu phương như thế nào. Hiện nay tôi thấy chúng ta chưa quan tâm nhiều đến chỗ ở, gia đình công nhân tại các khu công nghiệp”, ông Quốc ví dụ.
Theo đó, ông Quốc cho rằng, việc Quốc hội bãi bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là bước tiến trong nhận thức và được luật pháp hóa. Điều này cho thấy, mọi người đã nhận thấy rằng cách làm cũ không có hiệu quả và cần phải có cách nhìn cởi mở hơn, gần gũi với thực tiễn hơn.
“Các đại biểu QH và trong Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng trao đổi, chia sẻ về vấn đề này. Họ rất muốn vượt qua rào cản của những quan niệm cũ, để có cách nhìn cởi mở hơn, vừa theo kịp kinh nghiệm của các nước, đồng thời có lộ trình để tạo ra nhận thức, tập quán xã hội thích hợp. Tôi cho rằng đó là cách đi cần thiết, không quá vội vã nhưng cũng cần khẩn trương. Đó là bước đi chắc chắn. Chúng ta phải đưa lên bàn nghị sự về vấn đề này”, ông Quốc nói thêm.
Bàn về việc hạn chế lây nhiễm HIV trong nhóm mại dâm, dưới góc độ pháp luật, theo ông Quốc, cần nhìn thẳng vào sự thật, tìm giải pháp tốt nhất theo chiều hướng tiến bộ của xã hội đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống.
“Các quốc gia khác, ở những trình độ phát triển khác nhau, nền tảng văn hóa khác nhau, cũng có những cách xử lý khác nhau, cái gì hợp nhất với mình thì làm theo, đừng nghĩ mình là biệt lập, đặc thù. Vì thế, tôi nghĩ nên sớm xây dựng luật để quản lý vấn đề này”, ông Quốc ý kiến.
Đồng tình với phát biểu của ông Quốc, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, để hạn giải quyết vấn đề này cần có lộ trình, trước mắt công nhận nó là một hiện thực xã hội, có giải pháp trước mắt là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng tránh lây nhiễm HIV.
“Chỉ khi nào chúng ta công nhận, không kỳ thị, có hệ thống hỗ trợ công khai để họ có thể tiếp cận các dịch vụ đó thì lúc đó chúng ta mới giải quyết vấn đề HIV. Từ đó, chúng ta có thể tiếp tục các lộ trình khác còn hết sức phức tạp, về vấn đề văn hóa xã hội, truyền thống, sẽ còn rất nhiều tranh luận để có thể đi đến một bộ luật nào đó”, bà Hồng nói.
Cần phải có hệ thống luật pháp chặt chẽ để quản lý nhóm mại dâm cũng là ý kiến của bà Bà Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng.
“Chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn thừa nhận hay không thừa nhận tình trạng này. Không thừa nhận thì chúng ta đang thấy hậu quả là tình trạng lây nhiễm HIV đang tăng nhanh. Và chúng ta không có lựa chọn ở giữa”, bà Hồng nói rõ thêm về ý kiến của mình.
Theo Hải An
Báo Tiền phong