"Tôi đã từng đến và đến không chỉ một lần. Tuy nhiên, tôi tránh những chỗ đó lâu rồi. Ăn mà phải khổ thế thì không bao giờ", nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh chia sẻ suy nghĩ của mình về hiện tượng bún mắng cháo chửi ở Hà Nội.
Và trong cuộc trò chuyện, NSND Lê Khanh đưa ra một nhận định, hoàn toàn không hề có tính kỳ thị nhưng khá thú vị cho các nhà nghiên cứu xã hội học, rằng hầu hết nhà mặt tiền trên các đường phố hiện nay không phải người Hà Nội gốc.
- NSND Lê Khanh nhìn nhận như thế nào về điều được gọi là văn hóa của người Hà Nội?
Văn hóa Hà Nội gốc là cái gì đó vừa hư vừa thực. Tôi sinh ra trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, cùng với sự hủy hoại của chiến tranh là sự nghèo đói, bệnh tật thì chất hào hoa, phong nhã ở Hà Nội ở đâu ra? Tôi sống giữa Hà Nội những năm khói lửa ấy, tất cả những khổ ải, loạn lạc, đói kém, nhà nghèo xơ nghèo xác, tôi đều trải qua hết. Mọi người đều vật lộn mưu sinh với những vất vả, lo toan trong cuộc sống nên họ cũng không để ý nhiều đến phong thái của mình. Nhưng mọi người vẫn cảm nhận được vẻ đẹp riêng của người Hà Nội. Họ sống một cách thư thái và tự bản thân họ “bảo thủ” với phong cách sống chậm rãi, thư thái của mình. Với tôi thì nó giống như gen di truyền, nó có sẵn trong huyết quản, trong trái tim của mình.
Nếu để ý kĩ sẽ thấy hầu hết những nhà mặt tiền hiện nay không phải là người Hà Nội gốc. Người Hà Nội gốc thường rút vào bên trong, không ồn ào mà rất bình lặng. Từ đó có thể thấy, cái gì mà mọi người dễ nhìn thấy (nó không chỉ là cửa hàng cửa hiệu) không phải là cốt cách, là chất của người Hà Nội. Mà chất Hà Nội nó bình dị hơn, thầm lặng và kín đáo hơn.
Nhưng điều nguy hiểm là, người ta vẫn cứ đến những nơi đó để ăn uống và thậm chí không bình luận gì về hiện tượng đó. Bởi họ nghe mãi thì nó trở thành quen và thấy nó không đến nỗi xấu quá. Người ta đành phải chấp nhận vì không có cách nào để loại bỏ nó ra khỏi đời sống mặc dù không ai cho hiện tượng đó là tốt nhưng không ai muốn mình là người đầu tiên thay đổi nó.
Nhìn chung, văn hóa phục vụ của Hà Nội nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung còn kém.
- Thế còn hiện tượng "bún mắng cháo chửi" ở Hà Nội mà dư luận đang quan tâm, chị nghĩ sao?
Tôi nghĩ rằng, phần lớn những người tìm về thủ đô, là tìm đến nơi an toàn, và đảm bảo những nhu cầu cần thiết của mình. Là trung tâm văn hóa có hàng triệu người với nhu cầu quá lớn nên mới có những hiện tượng bún mắng cháo chửi như anh nói.
- Chị đã bao giờ đến những chỗ ăn uống kiểu “bún mắng cháo chửi” đó chưa?
Tôi đã từng đến và đến không chỉ một lần. Tuy nhiên, tôi tránh những chỗ đó lâu rồi. Ăn mà phải khổ thế thì không bao giờ. Hiên nay, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đang chọn cách là tổ chức những bữa ăn trong gia đình. Duy trì văn hóa ẩm thực trong gia đình có một giá trị rất lớn, vừa đẹp vừa ấm cúng lại vừa an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, đỡ phải nghe những thứ khủng khiếp, đỡ phải ăn đủ món lạ vào não của mình.
- Phải chăng chính những người ngoại tỉnh đã "làm bẩn" văn hóa người Hà Nội, như một bài viết gần đây nêu ra?
Không bao giờ có một nền văn hóa tồn tại mãi mãi. Ngay cả những người Hà Nội gốc thì tổ tiên của họ cũng là từ phương xa đến Hà Nội. Họ đã sống ở đây nhiều đời và nó hình thành nên nền văn hóa Hà Nội. Đặc biệt, nó chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây, văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp… Điều đó có nghĩa, bản thân cái "gốc Hà Nội" đã là kết quả của sự pha trộn về văn hóa rồi.
Hà Nội đã từng có một phông văn hóa được xác định, được nhiều người ngưỡng vọng, đặt cho chúng những mỹ từ như hào hoa, thanh lịch… Nhưng Hà Nội không chỉ có thế. Bởi nếu chỉ có thế mãi thì không thể phát triển được.
Tuy nhiên, bất cứ ai đến sống ở Hà Nội cũng coi đó là quê hương, là ngôi nhà của mình và cùng góp sức làm cho nó đẹp hơn. Mình thích mà mình lại để nó sang một bên và sống theo bản năng rất sơ khai thì sẽ làm hỏng nó. Chúng ta cần tôn trọng văn hóa nơi mình đang sinh sống.
Mỗi người phải nhận ra giá trị của mình chứ không thể đổ lỗi lung tung được.
- Chị có sợ 10, 20 năm nữa hoặc sớm hơn văn hóa "Hà Nội gốc" sẽ biến mất, sẽ có một nền văn hóa hoàn toàn mới của Hà Nội?
Tôi nghĩ nó chỉ mất đi những gì mà người ta không muốn giữ mà thôi.
- Nói đến văn hóa của người Hà Nội, bạn đọc còn đang quan tâm đến văn hóa giao thông. Đặc biệt là sau chuyện một ông Tây đứng ra điều khiển giao thông ở Hà Nội, nhiều người cho rằng người Hà Nội phải thấy xấu hổ mới đúng?
Bản thân những người đó là họ phát biểu quấy quá. Tất cả những người nước ngoài đã đến Việt Nam và quay trở lại là họ đã tìm thấy một nét đẹp của người Việt Nam, của đất nước Việt Nam mà ở nơi họ không có. Và vì họ yêu nên họ muốn góp sức để loại bỏ những cái chưa được văn minh của Hà Nội, của Việt Nam.
Nếu ai cũng là người bắt đầu để làm nên những điều tốt đẹp dù là nhỏ nhất như người bạn nước ngoài đó thì xã hội này chắc chắn sẽ trở nên tốt đẹp vô cùng.
- Dường như các thiếu nữ Hà Nội hiện nay có vẻ rất “cởi mở” - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chị có thấy điều đó có đáng lo ngại?
Bản thân thế hệ trẻ chưa định vị được cái đẹp là thế nào thì nó đã bị lai căng một phần. Chúng ta phải chấp nhận những thứ lai căng đó để uốn nắn và điều chỉnh một cách hợp lý bằng những cuộc đối thoại cởi mở để tìm ra điểm chung giữa các thế hệ. Giáo dục về các giá trị văn hóa không thể thực hiện ngày một ngày hai mà nó là một quá trình lâu dài và không ít những khó khăn.
- Xin cảm ơn NSND Lê Khanh!
(Theo GDVN)