“Giáo dục bằng đòn roi chỉ tạo ra sự giả dối“

Google News

Nhiều người biện minh, dùng roi vọt với trẻ để răn đe chúng. Tuy nhiên, thế nào là răn đe?

- "Khi người thầy cầm roi đánh học trò nghĩa là hình ảnh người thầy đã xấu đi trong mắt con trẻ. Môi trường giáo dục thật khó chấp nhận điều này.
 
Tuy nhiên, đừng vội quy trách nhiệm cho chính thầy cô mà hãy xét từ căn nguyên của vấn đề. Đó là từ phía phụ huynh học sinh", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý, Đại học KHXH&NV Hà Nội nêu quan điểm.

Thầy đánh trò là không thể chấp nhận!

Vừa rồi báo chí đưa tin ở Thái Nguyên có thầy giáo vung roi mây đánh học trò. Bà có ý kiến gì về việc này?

Tôi không đồng tình với cách dạy dỗ trẻ bằng roi vọt. Trong khoa học giáo dục cũng không có lý nào như thế cả. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận nó một cách toàn diện, phải tìm hiểu kỹ chứ không thể thấy hiện tượng mà phán xét được.

Nhưng dù có thế nào thì hành động đó cũng rất phản giáo dục?

Đương nhiên. Nhà trường là nơi dạy chữ, trang bị kiến thức cho học sinh. Việc thầy giáo cầm roi đánh học trò là không thể chấp nhận được. Nó làm cho hình ảnh người thầy không còn mô phạm, chuẩn mực trong mắt học trò nữa.

Nhưng thực tế thì nó vẫn đang diễn ra trong môi trường giáo dục đấy thôi?

Chẳng riêng gì giáo dục trong nhà trường đâu mà ở xã hội đều có, thậm chí có vẻ tăng lên.

Vì sao lại "có vẻ tăng lên", thưa bà?

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến người lớn dùng đòn roi với con trẻ là vì áp lực của cuộc sống. Họ không biết trút lên ai ngoài đối tượng yếu thế hơn là con trẻ. Mà trong xã hội hiện đại, những áp lực ấy ngày càng lớn hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý.

Biết sinh mà không biết dưỡng

Việc bị áp lực, căng thẳng rồi trút lên đầu trẻ có thể chỉ là hành động bột phát trong lúc thiếu kiềm chế. Còn việc dùng cây roi như một liệu pháp giáo dục thì sao, thưa bà?

Như tôi nói lúc đầu, trong khoa học giáo dục, việc dùng đòn roi, nói rộng ra là dùng bạo lực rất phản khoa học. Nó sẽ đem lại những hệ lụy mà nhiều người không thể lường hết được. Đồng thời, cách giáo dục ấy thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, phương pháp dạy dỗ của người lớn.

Chứ không phải đó là sự thể hiện của việc bất lực trong giáo dục con trẻ?

Chẳng có đứa trẻ nào mà không ai có thể dạy bảo được! Không bao giờ có chuyện đó. Sự bất lực ấy là do đâu? Cái chính là do người lớn mà trước tiên là cha mẹ có biết cách dạy bảo con không. Trên thực tế hiện nay, nhiều người chỉ biết sinh con mà không biết dưỡng dục. Họ cứ nghĩ rằng, lo cho con có được cuộc sống vật chất đầy đủ là đã làm tròn vai trò của mình. Nhưng con trẻ thì không chỉ cần có thế. Như cái cây khi ta trồng cũng phải học cách chăm để làm sao cho nó sống, nó phát triển, ra hoa kết trái thì huống hồ là một con người? Căn nguyên vẫn là ở nhận thức, hiểu biết của cha mẹ mà ra.

Nhưng lâu nay có thấy ai nói "giáo dục cha mẹ" đâu, thưa bà?

Đấy, vấn đề ở chỗ đó. Cha mẹ sinh ra con và cứ nghĩ rằng mình có quyền được can thiệp vào cuộc sống của con, có quyền phán xét con, đánh mắng con. Ở nước ngoài, trước khi kết hôn người ta phải đi học, rồi sau đó phải học cách nuôi dạy con, học cách tiết chế cảm xúc. Còn ở ta thì nhìn chung mới chỉ nuôi dạy con theo kinh nghiệm.

Thiết nghĩ, dạy theo kinh nghiệm thì đâu hẳn đã sai?

Tất nhiên. Thế nhưng, không phải kinh nghiệm nào cũng còn phù hợp, chẳng hạn như việc dùng đòn roi trong giáo dục.

Cha mẹ đẩy con cho nhà trường để "rảnh nợ"

Theo bà, việc cha mẹ gửi con vào môi trường giáo dục mà ở đó thường sử dụng đòn roi nói lên điều gì?

Quan niệm truyền thống của người Việt là "thương cho roi cho vọt". Do đó, việc giáo dục con cái bằng đòn roi đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Họ coi đó là chuyện hiển nhiên và như là đặc ân của cha mẹ. Nhưng khi cha mẹ đã không thể dạy con bằng đòn roi thì họ thường tìm cách đẩy đứa trẻ đó ra bên ngoài cho "rảnh nợ" và nhà trường là đích ngắm đầu tiên. Thế nên, xét ở góc độ nào đó thì việc làm này cũng dễ hiểu vì họ mong con cái mình được rèn giũa. Tuy nhiên, chính điều đó đã "bật đèn xanh" cho giáo viên sử dụng vũ lực với học trò.

Nghĩa là, trong trường hợp giáo viên dùng vũ lực với học sinh thì không thể đổ lỗi cho riêng giáo viên?

Đúng vậy. Bởi nhiều khi, phụ huynh có tâm lý gửi gắm con em cho thầy với ý thầy "muốn làm gì thì làm" để con họ nên người. Tức là họ đã có sự phó thác cho giáo viên. Họ đã thật sự bất lực với con rồi và con họ cũng đã "vô phương cứu chữa". Thế nên, thầy có thể dùng vũ lực với trò và nghĩ rằng như thế là "hợp pháp" bởi đã được phụ huynh cho phép.

Dường như, cách dạy đó cũng có tác dụng đấy chứ?

Có tác dụng đấy, trẻ sẽ nghe lời, sẽ học bài nhưng chúng chỉ làm một cách đối phó mà thôi, vì thế sẽ không phát huy được khả năng của trẻ, trẻ sẽ làm để vừa lòng người khác, không sống thật với lòng mình. Nói khác đi, giáo dục bằng đòn roi sẽ chỉ tạo ra những người giả dối.

Đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên sẽ đâm ra chán ghét những người xung quanh, thù địch cuộc sống. Trẻ cũng sẽ bị tổn thương trầm trọng và thấy mình thật sự đáng ghét. Khi con người chán ghét chính bản thân thì sẽ trầm cảm, không thiết tha, hứng thú với cuộc sống nữa. Trẻ bị bạo hành sẽ "học" được điều duy nhất rằng: khi ta bất lực, ta có cách giải quyết khác là đàn áp người khác, trẻ sẽ sinh ra thói cục cằn, luôn muốn trả thù. Những điều đó - tiếc là ngay cả những người làm công tác giáo dục cũng không nhận ra được.

Nếu như dùng lời lẽ mà trẻ không nghe và không được dùng đến cây roi thì theo bà, chúng ta nên làm gì?

Đừng bao giờ dùng bạo lực với con trẻ! Hãy dùng biện pháp kỷ luật tích cực. Ví như khi trẻ mắc lỗi, hãy phạt trẻ bằng cách lao động công ích như quét sân trường, lau cửa sổ lớp học, để trẻ thấy rằng chúng đang phải "trả giá" cho lỗi của mình, trong khi bạn bè được ngủ, được đi chơi, được đi xem phim thì chúng phải chịu phạt. Và cha mẹ hãy học cách để nuôi dạy trẻ.

Cha mẹ đi học cách nuôi dạy con? Điều đó liệu có khả thi, vì nhiều người đang phải chật vật lo kiếm miếng cơm?

Tôi chắc chắn rằng không ai là không có thời gian cả. Có điều họ có quản lý được thời gian, có nhận thức được rằng phải học cách dạy con, học cách tiết chế mình hay không mà thôi. Ngay cả giáo viên cũng phải học những điều đó để không bao giờ áp dụng sai lầm, mang cây roi ra để giáo dục trẻ!

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
"Nhiều người biện minh, dùng roi vọt với trẻ để răn đe chúng. Tuy nhiên, thế nào là răn đe? Bố mẹ bạt tai con rồi bảo là răn đe. Thầy cô giáo đánh trò thâm tay cũng là răn đe. Tức là không có tiêu chuẩn nào mà tùy vào nhận thức của từng người. Cái đó rất nguy hiểm và cần phải nói không với bạo lực trong giáo dục con trẻ".
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)