Với những người nông dân như bà Nguyễn Thị Luân, việc thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ kéo dài đến 50 năm thật sự là tin tốt lành.
- Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến 63 tỉnh, thành về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ kéo dài đến 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay. Với những người nông dân như bà Nguyễn Thị Luân, thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội thì đó thật sự là tin tốt lành.
Thuê người làm cỏ có mà chết
Xin chào bà. Nhìn bà tất bật quá!
Vâng, tôi đang cố làm nốt cỏ cho mấy sào lúa này, phải tranh thủ làm để chạy nắng nên chẳng nghỉ ngơi được. Mới gần 10h mà đã nóng quá cô ạ.
Tôi tưởng có thuốc diệt cỏ mà?
Có, nhưng cũng không ăn thua đâu. Với lại, động cái gì cũng thuốc thì tiền đâu ra?
Mỗi vụ lúa, bà phải làm cỏ bao nhiêu lần?
Cũng tùy từng vụ, nhưng thường thì hai đến ba bận.
Nhà bà cấy có nhiều ruộng không?
Tôi cấy tất cả 1,6 mẫu. Trong đó ruộng của nhà là 5 sào, còn lại là ruộng người ta cho.
Với ngần ấy ruộng thì bà làm cỏ mất bao lâu? Sao bà không thuê người làm có phải đỡ vất vả hơn không?
Thực ra, không phải cả 1,6 mẫu ấy đều nhiều cỏ dại đâu, ruộng nhiều ruộng ít. Với lại, làm cỏ cũng chẳng vất vả lắm đâu, chỉ tội đau lưng. Thường thì tôi cũng chỉ mất 3 - 5 ngày là xong. Nếu thuê người làm cỏ có mà chết.
Sao lại chết?
Vì phải trả tiền công cho người ta, bây giờ ít nhất cũng phải 100.000đ/ngày công. Thế thì lại thêm chi phí. Tội gì!
Dân bỏ ruộng là phải
Bà vừa bảo "ruộng người ta cho" là thế nào vậy?
Là vì người ta chuyển hết sang chạy chợ, không cấy nữa. Họ cho tôi cấy để giữ ruộng cho họ.
Trong làng bà bây giờ có nhiều người làm ruộng không?
Cũng không còn nhiều đâu. Hầu như người ta bỏ ruộng rồi.
Nông dân mà bỏ ruộng thì sống bằng gì?
Họ đi làm thuê, buôn bán cô ạ. Tiền họ kiếm ra ít nhất cũng phải hơn 100.000đ/ngày, tính ra cao hơn làm ruộng nhiều. Họ bỏ ruộng là phải!
Bà cấy nhiều ruộng như thế đã nhất làng chưa?
Chưa đâu, nhưng cũng trong nhóm các hộ làm nhiều ruộng nhất làng. Vì tính ra, ở quê tôi, mỗi khẩu chỉ được một sào (360m2) thôi.
Cấy nhiều như thế, chắc kinh tế gia đình bà cũng dư dả?
Nói là dư dả về thóc gạo ăn thì đúng, chứ dư dả vì bán thóc gạo được nhiều tiền tiêu thì không đâu. Làm ruộng chẳng bao giờ dư dả được!
Vì sao vậy, thưa bà?
Vì có rất nhiều thứ phải chi, từ mua giống, thuê cày bừa, mua thuốc trừ sâu, lân đạm... Mà giá cả thì luôn tăng theo vụ.
Bà có thể nói rõ hơn về những khoản chi ấy?
Tôi cứ tính thế này cho cô dễ hình dung. Với 1,6 mẫu ruộng, tôi phải chi cho tiền giống mỗi vụ chừng 600.000đ; với 3 tạ lân, 1 tạ đạm tính ra khoảng 2,7 triệu đồng. Tiền thuê cày bừa là 150.000đ/sào. Tiền thuốc trừ sâu từ 25.000 - 30.000đ/sào. Tính sơ sơ cũng phải mất tới hơn 6 triệu đồng. Đó là vì tôi còn tự làm cỏ, tự phun thuốc, đổi công cấy gặt nên không phải thuê người đấy, chứ nếu thuê nữa thì chết, vì mấy năm nay lên 200.000đ/công rồi.
Trừ chi phí, mỗi vụ bà lãi được nhiều không?
Cũng tùy, nếu được mùa thì cũng lãi từ 8 - 10 triệu đồng, còn mất mùa thì đương nhiên là lỗ.
Số tiền ấy có đủ trang trải chi tiêu không, thưa bà?
Làm gì đủ? Vì đó là tiền tổng thu nhập trong 6 tháng đấy, chia ra mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng. Trong khi có bao nhiêu khoản phải chi tiêu, tiền xà phòng, nước mắm, tiền điện, tiền đi đám giỗ...
Không đủ thế thì bà xoay xở bằng cách nào?
Tôi phải đi làm thuê chứ! Từ phu hồ, quét dọn rác cho làng, mỗi tháng tôi cũng được trả gần 1 triệu đồng tiền vệ sinh này đấy. Chẳng riêng gì tôi đâu, ở làng này, nhà nào mà còn thuần nông thì đều phải tranh thủ đi làm thuê lúc nông nhàn.
|
Bà Nguyễn Thị Luân, thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội. |
Nếu lấy ruộng làm dự án thì chỉ được lấy một nửa
Làm nhiều ruộng thế mà không đủ sống thì bà còn "ôm" ruộng làm gì?
Ông nhà tôi nhiều lần cũng giục là bỏ bớt ruộng đi, chỉ làm 5 sào của nhà thôi, nhưng tôi tiếc lắm. Tôi còn sức khoẻ thì cứ làm thôi. Với lại, nông dân mà không có ruộng thì sống sao được?
Sao lại không? Ở nhiều nơi, người ta vẫn lấy ruộng xây khu công nghiệp, làm sân gôn, dân vẫn sống đấy thôi?
À, tôi lại không cho rằng như thế. "Sống" ở đây đừng chỉ hiểu theo nghĩa là sống qua ngày. Người nông dân sống bằng đồng ruộng, cần có ruộng, vì ruộng là thứ duy nhất để chúng tôi bám vào, có thóc gạo ăn. Dù làm ruộng chẳng đủ tiền đóng học, mua nhà cho con cái thì chúng tôi vẫn gắn đời mình vào đó. Niềm vui của chúng tôi cũng ở đó, chúng tôi giáo dục con cái cũng từ nỗi vất vả trên đồng ruộng.
Bây giờ, các vị cứ bảo là lấy ruộng của chúng tôi để xây khu công nghiệp, rồi trả cho chúng tôi một cục tiền và nghĩ rằng như thế là chúng tôi sướng, vì chúng tôi làm được nhà to, mua được xe xịn để đi. Xin đừng nghĩ như thế! Tôi đọc báo, biết có nhiều chuyện như lấy đất xây khu công nghiệp, làm đường, nông dân tự dưng lắm tiền trong tay, sinh ra thói anh em, con cháu tranh giành nhau tiền đền bù trong nhà, rồi tệ nạn cho thanh niên. Thế là hại chúng tôi chứ đâu phải giúp chúng tôi!
Bà nghĩ sao nếu một ngày, khu ruộng của nhà bà nằm trong một dự án nào đó và bà được nhận một khoản tiền lớn?
Gia đình tôi vẫn đang ở nhà cấp 4. Do đó, nếu với 5 sào của gia đình, họ lấy làm dự án một nửa rồi trả tôi một khoản tiền, tôi sẽ lấy tiền đó làm lại nhà, dư dả thì mua thêm nhà cho con, vì vợ chồng thằng thứ ba vẫn đang ở cùng chúng tôi, thằng út thì chưa lập gia đình. Nhưng họ vẫn phải để lại cho tôi một nửa ruộng để tôi cấy hái. Vì vợ chồng tôi không có lương hưu, không có ruộng thì chắc không sống được.
Chỉ mong con cháu có ruộng
Bà có biết thông tin Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có thể tăng thời hạn thuê đất nông nghiệp lên 50 năm thay vì 20 năm?
Ô, thật thế hả cô? Tôi cũng chưa nghe ai nói về điều này. Thế thì mừng quá!
Sao bà lại mừng?
Vì như thế, tôi, các con cháu tôi sẽ được canh tác trên đất lâu dài, gần như là đất của mình rồi.
Nếu điều đó được phê chuẩn, bà có dự định gì trên phần ruộng "của mình"?
Tôi cũng già rồi, chắc chả làm được lâu nữa đâu nên cũng chẳng có ý tưởng đột phá này nọ. Chỉ cần có ruộng để tiếp tục cấy hái thôi. Cái quan trọng nhất là được giao đất dài hạn thì đời con cháu mình vẫn yên tâm là có ruộng để cấy hái. Tôi chỉ mong có thế! Còn canh tác như thế nào thì chắc đợi các con cháu thực hiện thôi.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.
"Tôi có bốn người con thì hai đứa ở nhà làm ruộng, hai đứa làm công nhân. Mặc dù vậy, tôi vẫn giao hẹn với hai đứa làm công nhân rằng vẫn phải cấy ruộng để lấy thóc mà ăn. Nếu không có thời gian làm thì tiền lương dành để thuê người chứ nhất định không đứa nào được bỏ ruộng. Vì bây giờ, mua gạo ngoài chợ cũng sợ lắm, họ phun thuốc chống ẩm. Chưa kể có những hộ, đến lúc lúa gần chín rồi mà bị sâu bệnh, họ vẫn phun thuốc như thường".
Bà Nguyễn Thị Luân |
Vũ Thủy (Thực hiện)