Trung Quốc hoàn toàn không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào để rao bán quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội, cho rằng chúng ta cần một cơ quan đặc trách để giải quyết vấn đề về biển Đông.
[links()]
Lộ rõ tham vọng biến biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc
Những hành động vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam của Trung Quốc liên tục trong thời gian qua nói lên ý đồ gì của Trung Quốc, theo ông?
|
PGS.TS Nguyễn Bá Diến |
Ngay sau khi Quốc hội nước ta thông qua Luật Biển, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa (gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), tuyên bố mời thầu tại 9 lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc hoàn toàn không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào để rao bán quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam một khi đã được Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc cấp sổ đỏ, càng chứng tỏ tính chất phi pháp của họ khi thành lập đơn vị hành chính trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là Việt Nam.
Đó là hành động hết sức ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế. Chúng ta nhận diện rõ thêm âm mưu của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, việc này không chỉ nhằm trả đũa Việt Nam thông qua Luật Biển, mà nó thể hiện âm mưu của Trung Quốc từ rất lâu.
Trung Quốc liên tục tiến hành các bước chuẩn bị về lập pháp, lịch sử, hành chính, chính trị, ngoại giao, tuyên truyền và cả sức mạnh quân sự để thực hiện ý đồ bành trướng biển Đông. Để biến biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc đặt ra mục tiêu.
Một là, chiếm toàn bộ các đảo trong các quần đảo nằm trong phạm vi đường đứt khúc chín đoạn (đường lưỡi bò), trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hai là, lấn chiếm khoảng 90% diện tích biển Đông, trùm lên một phần lớn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước liền kề biển Đông, trong đó có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ba là, chiếm đoạt toàn bộ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên cá trong khu vực biển nói trên.
Trung Quốc là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng chính hành động của họ lại giẫm đạp lên Hiến chương của Liên Hợp Quốc, giẫm đạp lên các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: cấm dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đấy là bằng chứng vi phạm luật pháp quốc tế, và cách hành xử nói một đằng, làm một nẻo.
Bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc
Là chuyên gia nghiên cứu về luật quốc tế và biển Đông ông đánh giá như thế nào về những “chiêu thức” mà Trung Quốc sử dụng để hiện thực hóa tham vọng bành trướng ở biển Đông?
Nếu đặt các hành động gây hấn của Trung Quốc trong chuỗi các sự kiện trong nhiều thập kỷ qua, gắn với những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - họ khẳng định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nằm trong đường lưỡi bò là vùng biển của Trung Quốc; coi những hoạt động của Việt Nam trong vùng biển của mình là các hoạt động trái phép - thì có thể khẳng định hành động của Trung Quốc thực chất là những bước đầu tiên của một cuộc xâm lược trên biển, nhằm độc chiếm biển Đông.
Để chống lại chiến lược thôn tính biển Đông, bảo vệ chủ quyền, chúng ta phải làm gì?
Việt Nam cần tiến hành nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trong đó cần thiết tập trung các giải pháp: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và kiên quyết thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; đồng thời ngăn chặn có hiệu quả cái gọi là những hoạt động thực thi chủ quyền mà Trung Quốc tiến hành trên thực tế trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Xây dựng bộ hồ sơ pháp lý bao gồm những lập luận, chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các quyền chủ quyền của Việt Nam trong các vùng biển của mình được xác lập theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; đồng thời bác bỏ những luận cứ lịch sử và pháp lý bịa đặt mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và yêu sách đường lưỡi bò.
Bác bỏ được những lập luận của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể vô hiệu hóa yêu sách đường lưỡi bò- thách thức lớn nhất đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia ven biển Đông hiện nay.
Những lập luận bác bỏ các luận cứ lịch sử và pháp lý biện minh cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là cơ sở quan trọng phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh dư luận, làm cho nhân dân Trung Quốc, khu vực và thế giới biết tính chất phi nghĩa, hoang đường, vô lý, trái với luật pháp quốc tế của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông; phá tan sự ngộ nhận trong dư luận Trung Quốc, dư luận khu vực và thế giới về luận thuyết các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc. Qua đó, đề cao chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Với những hành động của Trung Quốc như vừa qua, chúng ta cần có thông điệp gì?
Vấn đề có tính chất quyết định là vấn đề con người: đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bảo vệ cán bộ. Đặc biệt trong đó có việc đào tạo đội ngũ chuyên gia luật biển, luật quốc tế để tham gia vào các thiết chế tòa án quốc tế.
Dân tộc Việt Nam với mấy nghìn năm văn hiến, tinh thần đấu tranh bất khuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước, rất nhân ái, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng đầy bản lĩnh. Điều đó đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử, bao nhiêu giặc xâm lăng đến đây đều ngã gục. Đó là thông điệp của chúng ta. Chúng ta có đủ khả năng và biết cách để tự vệ.
Cần cơ quan đặc trách, đủ tầm
Để giải quyết vấn đề biển Đông, chúng ta cần đặt vấn đề này ở tầm mức như thế nào?
Cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến từng người dân đồng lòng, thống nhất chống xâm lăng thì không thế lực nào có thể khuất phục nổi. Dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử luôn chứng minh một chân lý sáng ngời: Một dân tộc yêu hòa bình là một dân tộc không sợ chiến tranh, một dân tộc biết sống và biết chết, dân tộc ấy sẽ trường tồn.
Vấn đề biển đảo liên quan đến đa bộ, đa ngành, đụng chạm đến cả quốc tế nên cấp cục, hay một bộ riêng lẻ không đủ tầm bao quát.
Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, cần thành lập một cơ quan đặc trách, chỉ đạo thống nhất, quản lý tập trung các vấn đề về biển, có thể là một ủy ban quốc gia về biển và những ủy ban chuyên trách về từng lĩnh vực, như vậy thì mới có đủ tầm để thống lĩnh, giải quyết vấn đề.
Cảm ơn ông.
Theo Nguyễn Tuấn - Cao Nhật
Báo Tiền phong