"Nhân viên bán xăng chỉ là người bán hàng cho nên không thể có quyền giữ hoặc ngăn cản người mua xăng sử dụng điện thoại di động..."
(Kienthuc.net.vn) - “Nhân viên bán xăng chỉ là người bán hàng cho nên không thể có quyền giữ hoặc ngăn cản người mua xăng sử dụng điện thoại di động tại cây xăng của mình”, PGS.TS. Phùng Trung Tập, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích.
Trao đổi với Kienthuc.net.vn về việc xử phạt người sử dụng điện thoại di động tại cây xăng theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 5/8 tới đây, PGS.TS. Phùng Trung Tập nhận định: Tính đến thời điểm hiện nay thì ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu nào về bản chất của các vụ cháy nổ xăng liên quan đến điện thoại di động.
Ngoài ra, trên thực tế tại các nước đang phát triển và phát triển cũng chưa có một kết luận chính thức nào về nguyên nhân các vụ cháy nổ xăng là hoàn toàn do việc sử dụng điện thoại di động tại nơi cung cấp xăng gây ra.
|
Khách hàng vẫn có thói quen dùng điện thoại trong cây xăng dù đã có biển cấm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn |
Theo quan điểm là “phòng cháy hơn chữa cháy” cho nên theo quy định tại Nghị đinh số 52/2012 của Chính Phủ thì mức phạt khi sử dụng điện thoại di động tại những nơi bán xăng từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. “Nếu thực hiện được quy định này là rất hữu ích cho xã hội, nhưng còn một số vấn đề cần thiết phải được bàn luận thêm để thực hiện một cách triệt để, tránh tình trạng chỉ là quy định”.
Một hành vi, 2 mức phạt?
PGS.TS. Phùng Trung Tập phân tích: Quy định hành vi nghe và gọi điện thoại di động tại cây xăng là hành vi vi phạm, không phân biệt chủng loại và nhãn hiệu điện thoại di động, nhưng lại với mức phạt tiền rất khác nhau: Mức phạt 2 triệu đồng sẽ do Trưởng công an hoặc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) ra quyết định xử phạt; Mức 5 triệu đồng sẽ do Trưởng phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm và môi trường..., ra quyết định xử phạt.
“Như vậy, ai là người định mức phạt tiền đối với người vi phạm khi mà chỉ với cùng một hành vi là gọi hay nghe điện thoại di động tại cây xăng. Mức phạt chênh lệch ở đây là 3 triệu đồng”.
“Tại sao quy định này không theo tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm có thể xảy ra do cá nhân sử dụng điện thoại di động trong khi mua bán xăng mà lại căn cứ vào thẩm quyền của người phát hiện và phạt?”, PGS.TS. Phùng Trung Tập chỉ ra điểm chưa hợp lý.
Ai là người “bắt quả tang”?
Theo phân tích của PGS.TS. Phùng Trung Tập, để xử phạt trong tình huống này thì sẽ phải huy động cán bộ với số lượng rất lớn. “Thời gian mua xăng là rất ngắn, chỉ diễn ra trong khoảng vài phút đến vài chục phút thì khi bị phát hiện người vi phạm đã “cao chạy xa bay”. Liệu mỗi cây xăng đều có thể có một người trực để viết phiếu phạt tiền?”
Cũng theo PGS.TS. Phùng Trung Tập, nhân viên bán xăng chỉ là người bán hàng cho nên không thể có quyền giữ hoặc ngăn cản người mua xăng đã sử dụng điện thoại di động tại cây xăng của mình.
“Cây xăng, cung cấp xăng là cố định. Người mua xăng là bất kỳ ai và bất kỳ ở đâu đến nếu nhân viên cung cấp xăng mà ngăn cản họ, phê bình họ thì điều gì có thể xảy ra nếu người vi phạm bị phạt tiền do nhân viên bán xăng khai báo? Trong khi đó, ý thức của người dân chưa thể mạnh dạn trong phê bình người vi phạm theo tâm lý an phận vì sợ rắc rối”.
“Ngoài ra còn rất nhiều rắc rối khác khó có thể xử lý được như: Nhân viên bán xăng có được sử dụng điện thoại di động hay mang theo điện thoại di động nhưng vẫn để ở chế độ sử dụng hay không? Nếu có hoặc không thì ai là người xác định? Ngoài ra, người vào mua xăng tại cây xăng có phải tắt điện thoại di động trước khi vào mua xăng không? Ai có quyền kiểm tra? Còn nhiều điểm bán xăng lẻ của cá nhân trên địa bàn thành phố không kiểm soát được, thì người sử dụng điện thoại di động tại nơi đó có bị phạt?” - PGS.TS. Phùng Trung Tập nhấn mạnh.
“Nếu không có biện pháp cụ thể, chi tiết, phù hợp với đời sống xã hội mà đã nóng vội áp dụng quy định vào việc xử phạt khi mà còn rất nhiều vấn đề chưa được xác định thì hiệu lực của quy định sẽ giảm giá trị, thậm chí không thể thực hiện được. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về quy định không phù hợp và đã không thể áp dụng vào thực tế rồi”, ông nhận xét.
Vũ Chương
[links()]