Sắp trình Quốc hội phương án tên nước

Google News

Chiều 17/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông báo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp.

Ông Phúc cho biết: Kỳ họp thứ 5 sẽ là kỳ họp đầu tiên triển khai Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo một số vấn đề về triển khai Nghị quyết này. Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.

 Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo.

Theo ông Phúc, cách làm, quy trình thực hiện theo hướng dẫn, đảm bảo tính khách quan, công tâm. Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu bản tổng hợp báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, các đại biểu còn thông qua các kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban về kết quả công tác thực tiễn trong những năm qua của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.  Kết quả công tác thực tiễn là cơ sở để đại biểu đánh giá.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc xử lý các tình huống nếu kết quả tín nhiệm dưới 50%.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh phải hội tụ đủ hai yếu tố: Người lấy phiếu tín nhiệm đó phải nằm trong danh sách các chức danh; thứ hai là giữ chức danh đó ít nhất 1 năm để đánh giá. Đủ hai điều kiện này mới lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội danh sách những đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo đủ hai yếu tố này. Tới đây, Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, vì vậy ông Huệ không phải lấy phiếu tín nhiệm nữa. Còn đồng chí nào được bầu thay thế vào vị trí này thì cũng không đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm vì vừa mới được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vài ngày. 

Về nội dung sửa đổi Hiến pháp, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội có xem xét việc đổi tên nước hay không? Ông Phúc cho biết: Tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có trong Hiến pháp 1946. Đến tháng 7/1976, tên nước đổi thành CHXHCN Việt Nam. Tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tồn tại 30 năm. Tên nước hiện nay đã tồn tại 37 năm. Tên nước hiện nay thể hiện con đường tiến lên XHCN. Thực tế, tên nước không có ảnh hưởng gì tới quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới và các loại giấy tờ của chúng ta. “Tại kỳ họp này, hai phương án này cũng được trình Quốc hội xem xét, xin ý kiến” – ông Phúc nói.

Về chất vấn, theo ông Phúc, tại kỳ họp thứ 4, một trong những đổi mới của Quốc hội là yêu cầu Chính phủ có báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Kỳ họp này, trước khi tiến hành chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thay mặt Chính phủ báo cáo việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội. “Ví dụ, nói về tai nạn giao thông, kết quả báo cáo giảm dưới 10% thì  xem có giảm không; kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo như thế nào… Tất cả những nội dung này đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng” – ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết thêm, vừa rồi, Văn phòng Quốc hội đã có cuộc họp trực tuyến với tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Đồng thời cũng yêu cầu Hội đồng nhân dân các địa phương yêu cầu các đoàn đại biểu giám sát việc thực hiện những nghị quyết này ở địa phương.

Theo VOV

Bình luận(0)