Bể nước cổ được cho là đã có tuổi thọ hơn 200 năm thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tiến Bính (SN 1957), trú tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Bính, năm 1985, ông mua lại bể nước này từ một người địa chủ tên Thị Huy với giá vài cây vàng thời bấy giờ. Lúc đó, vì thích sưu tầm đồ cổ nên ông mua về và dùng để đựng nước cho đến tận bây giờ.
Được biết, bể nước này trước được ông địa chủ thuê những người thợ lành nghề ở Lào đúc. Nguyên liệu để đúc bể chủ yếu là những thứ có sẵn trong cuộc sống như đá vôi, mật mía, quả chua cùm…
|
Bể nước được làm bằng đá vôi, mật mía đã tồn tại hơn 200 năm. |
Theo quan sát, bể nước có cấu trúc 2 phần là thân và đế. Mặt trước của bể trang trí hình con rồng đang vần vũ rất tinh xảo, thân được gắn các mảnh gốm. Còn hai bên là họa tiết hai bông hoa được đính bởi những chiếc đĩa men cổ tạo nét hài hòa.
Mặt sau của bể cổ được bố trí hoa văn xù xì không rõ hình dáng, chính giữa có một bông hoa với điểm nhấn là chiếc đĩa men cổ, nhưng đã bị vỡ. Hai bên thành cũng được tạo hình hai bông hoa bằng đĩa men.
Riêng chân bể, những người thợ đúc đã tạo các đường viền uốn lượn với nhiều hoa văn cầu kỳ.
Tính từ ngày đúc cho đến nay, bể nước cổ trải qua hơn 200 năm. Dù được dịch chuyển nhiều lần nhưng bể nước cổ vẫn còn giữ nguyên được những nét hoa văn độc đáo dù xung quanh đã phủ rêu xanh.
Bà Phạm Thị Nhu (SN 1959, vợ ông Bính) cho hay, rất nhiều người khi đến xem bể nước cổ đã ngõ ý muốn mua lại những chiếc đĩa men gắn trên đó, tuy nhiên gia đình không cạy ra bán. Ông bà cũng không kỳ cọ những vết rêu phong vì muốn nó cổ kính đúng với tuổi thọ hàng trăm năm của bể.
Ông Bính chia sẻ, bao năm nay gia đình luôn dùng bể nước cổ này để đựng nước sinh hoạt. Có rất nhiều thương lái ở các tỉnh Hà Tĩnh, Hà Nội… hỏi mua lại chiếc bể cổ với giá hàng chục triệu nhưng gia đình không bán với lí do làm vật kỉ niệm.
Mời quý độc giả xem video Cuộc sống giàu sang ở Dubai: