Một văn kiện có tính chất như cương lĩnh văn hóa
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, lần đầu tiên Đảng cộng sản Đông Dương nêu lên một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh văn hóa.
|
Một tiết mục trong Lễ tổng duyệt của chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hoá Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử biểu diễn tối qua (27/2) - Ảnh: VGP/Nam Nguyễn. |
Văn kiện đã xác định nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lại của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công… Đề cương đã khẳng định các nguyên tắc, tính chất, nội dung, nhiệm vụ của cách mạng văn hóa của nước ta lúc đó và nhiều năm sau.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; Động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người nặng lòng với đất nước, dấn thân cùng Đảng cộng sản Đông Dương để cứu nước, cứu dân; Hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, tư tưởng; không bi quan, dao động, không bị ru ngủ bởi luận điệu và luận thuyết sai trái, lừa gạt của chế độ phát xít, thực dân.
Đề cương khẳng định: Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Khẳng định giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, Đề cương đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu.
Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Đề cương văn hóa cách mạng nhất, tiến bộ nhất ở Đông Dương
TS. Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện mở đường cho nền văn hóa cách mạng Việt Nam. Đề cương xác định rõ: Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.
“Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này. Ba nguyên tắc trong Đề cương trở thành nền tảng để phát triển văn hóa Việt Nam, cội nguồn sự trường tồn của dân tộc ta”, bà Lan khẳng định.
Theo TS. Ngô Phương Lan, ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng chính là khởi nguồn của tính dân tộc, đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học nghệ thuật Việt Nam.
GS.TS Phong Lê cho hay, với sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam và Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam năm 1944, gần như tuyệt đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về dân tộc, về cách mạng.
Các ý kiến và tham luận gửi tới Tọa đàm thống nhất khẳng định, Đề cương về Văn hóa Việt Nam thể hiện sự nhạy bén, khả năng phân tích, đánh giá tình hình và tầm nhìn chiến lược của Đảng. Những quan điểm căn bản của Đề cương về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đặc biệt là 3 nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được Đảng không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển.
Trên tinh thần các giá trị còn nguyên tính thời sự của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất và mong muốn Đảng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đầu tư bài bản để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa “phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Mời quý độc giả xem video: TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về việc hỗ trợ, giúp các sinh viên người Dao. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.