Tài liệu “tuyệt mật” của “ông vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa

Google News

Kỹ thuật quân sự, công nghệ quốc phòng là vấn đề “tuyệt mật” đối với mỗi quốc gia. Để có được 30.000 trang tài liệu về lĩnh vực này mà không bị "trục xuất", GS.VS Trần Đại Nghĩa đã trải qua cả một chặng đường đầy thử thách.

Tìm cách học bằng được kỹ thuật quân sự của nước ngoài
Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Tai lieu “tuyet mat” cua “ong vua vu khi” Tran Dai Nghia
 Trường Internat Primaire (nay là Trường THPT Lưu Văn Liệt, số 105, Đường 30/4, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) – nơi Phạm Quang Lễ học thời tiểu học. Ảnh: VAST.
Từ khi còn nhỏ, cậu học trò Phạm Quang Lễ đã thấy, nhân dân ta rất dũng cảm, kiên cường, nhưng lại thiếu vũ khí nên luôn thất bại trước vũ khí hiện đại của thực dân Pháp. Trước thực tế đó, ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào có được vũ khí để bớt đi sự hy sinh xương máu của đồng bào?
Năm 1933, khi mới 20 tuổi, Phạm Quang Lễ đã xuất sắc có hai bằng “Tú tài Tây” và “Tú tài bản xứ”. Tháng 9 năm 1935, người thanh niên trẻ nhận được học bổng du học Pháp.
Tai lieu “tuyet mat” cua “ong vua vu khi” Tran Dai Nghia-Hinh-2
Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, số 235, Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) – nơi Phạm Quang Lễ học từ năm 1930 - 1933. Ảnh: VAST. 
Lúc bấy giờ, theo quy định của Chính phủ Pháp, người dân thuộc địa không được phép theo học tại các trường quân sự. Kỹ thuật quân sự, công nghệ quốc phòng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, là vấn đề “tuyệt mật” đối với mỗi quốc gia.
Phạm Quang Lễ cho rằng: “Đế quốc Pháp đâu phải là điên đến mức để cho một người Việt Nam, kể cả những kẻ đã vào Làng Tây được đến học ở các trường dạy về vũ khí hay vào làm ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí”. 
Tuy nhiên, với ý chí và tinh thần yêu nước nung nấu, chàng thanh niên Phạm Quang Lễ đã tìm hiểu, cố gắng tìm con đường cứu nước cứu nhà.
Thế rồi, ông được biết có một số trường đại học lớn ở Pháp giảng dạy các môn học có liên quan đến thiết kế, chế tạo vũ khí. Ngay lập tức, ông quyết định thi vào Trường Đại học Quốc gia Cầu đường Paris để tìm cách học bằng được kỹ thuật quân sự và công nghệ quốc phòng.
Lúc đó, nếu bị lộ ý định hoc kỹ thuật chế tạo vũ khí, ông có thể bị trục xuất ngay khỏi nước Pháp. Vì vậy, việc học và tìm hiểu của ông phải tiến hành trong bí mật.
Tai lieu “tuyet mat” cua “ong vua vu khi” Tran Dai Nghia-Hinh-3
 Lớp sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, năm 1936 – Phạm Quang Lễ hàng đầu đeo kính. Ảnh: VAST.
Sau khi được biết, ngoài các thư viện công cộng dành chung cho mọi người, còn có những tủ sách với nhiều tài liệu quý, hiếm dành riêng cho các giáo sư, ông đã tìm cách để tiếp cận, khai thác. Để làm được điều đó, ông phải nghĩ ra các lý do.
Chẳng hạn, khi mượn sách về thuốc nổ, ông giải thích với các giáo sư, quê hương ông là một xứ hiểm trở, nhiều núi non. Để có thể mở một con đường xuyên hầm, phải bạt từng mảng núi. Vì vậy, ông rất cần có những hiểu biết về thuốc nổ!”...
Để đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo vũ khí, ngoài việc theo học Trường Cầu đường Paris, ông theo học và lấy bằng cử nhân, chứng nhận khoa học và kỹ sư tại các trường đại học Sorbonne, Điện, Mỏ, Bách khoa và Học viện Kỹ thuật Hàng không.
Trong quá trình tiếp cận tài liệu về kỹ thuật quân sự, ngoài tiếng Pháp, Kỹ sư Phạm Quang Lễ tích cực học thêm các tiếng Đức, Nga, Anh… để có thể đọc và hiểu được nhiều tài liệu kỹ thuật quân sự.
Có trong tay tài liệu “tuyệt mật”
Năm 1939, Kỹ sư Phạm Quang Lễ làm việc ở nhiều hãng chế tạo máy bay dân dụng của Pháp với mục đích chính là tích lũy thật nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và công nghệ quốc phòng. Thời gian làm việc cho phòng thiết kế của các hãng máy bay đã tạo điều kiện cho ông được tiếp xúc nhiều tài liệu khoa học kỹ thuật quân sự.
Do các hãng máy bay dân dụng sản xuất cả máy bay quân sự nên ông đã có cơ hội thuận lợi được tiếp cận những tài liệu về các loại pháo, súng máy, bom, mìn...
Sau 11 năm kiên trì sưu tầm, ông đã có trong tay hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí và công nghiệp quốc phòng nằm trong một tấn sách của mình, trong đó có nhiều tài liệu “tuyệt mật”.
Năm 1940, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Đức xâm lược Pháp. Đây là cơ hội tốt để Kỹ sư Phạm Quang Lễ có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nền công nghiệp quốc phòng Đức.
Năm 1942, ông sang làm việc trong Xưởng Chế tạo máy bay ở miền Trung nước Đức nhằm tận dụng mọi điều kiện để tiếp thu thành tựu của cường quốc công nghiệp quân sự này. Trong thời gian ở Đức, Kỹ sư Phạm Quang Lễ còn tham gia làm việc cho một viện nghiên cứu vũ khí và bắt đầu những bước nghiên cứu cơ bản về công nghệ chế tạo vũ khí của Đức.
Khi quân đồng minh chuyển sang tiến công phát xít Đức, ông quyết định trở lại Pháp và tiếp tục công việc nghiên cứu kỹ thuật quân sự, công nghệ quốc phòng. Chính những kiến thức thu được khi học tập ở nước ngoài đã góp phần quyết định tạo nên sự nghiệp nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ quân và dân kháng chiến sau này.
Tháng 9 năm 1945, được biết nước nhà vừa mới giành được độc lập, Kỹ sư Phạm Quang Lễ có nguyện vọng được trở về phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Ông cho rằng: Muốn bảo vệ được nền độc lập của dân tộc thì phải có quân đội mạnh, để có quân đội mạnh thì nhất thiết phải có vũ khí mạnh.
Với quyết tâm cao, ông tiếp tục bí mật nghiên cứu về kỹ thuật quân sự và công nghệ sản xuất vũ khí của các nước đế quốc để khi thời cơ đến sẽ trở về phục vụ Tổ quốc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Sau này, các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm… với thương hiệu “made in Vietnam”, “made by Tran Dai Nghia” đã khiến kẻ thù sửng sốt, bất ngờ, kinh hoàng, giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là: “Ông phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”...
Biết về những dấu mốc trong cuộc đời ông mới thấy, để có được những điều đó, ông đã đi cả một chặng đường dài, đáng khâm phục với một tinh thần học tập, ý chí phi thường. Đặc biệt, là với một trái tim yêu nước nồng nàn, luôn đập vì “Đại Nghĩa” – như chính cái tên Bác Hồ đặt cho ông.
“Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói về những đóng góp lớn lao của GS.VS Trần Đại Nghĩa tại Hội thảo “Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức.

Theo Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam; Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (1913 - 2023) là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của các nhà khoa học kỹ thuật với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nói chung, đối với Ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng nói riêng.

Bài viết nằm trong chuỗi hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023) và 110 năm ngày sinh của GS. VS Trần Đại Nghĩa. Bài viết có sử dụng tư liệu của của Thượng tướng Phạm Hoài Nam.

Mời quý độc giả xem video: "Trần Đại Nghĩa không sáng chế súng Bazooka, vậy thì ông làm gì?". Nguồn: QPVN.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)