Sau thắng lợi ở chiến dịch cuối cùng chiến thắng đế quốc Mỹ, ngụy quyền, tấm bản đồ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh" đã đi vào huyền thoại thể hiện ý chí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam.
5 hướng tiến công Sài Gòn
Bản đồ mang tên "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh" thể hiện rất rõ 5 hướng tiến công Sài Gòn, Gia Định bằng 5 mũi khác nhau, huy động lực lượng của 5 quân đoàn (4 quân đoàn Chính quy và Đoàn 232 tương đương cấp Quân đoàn). Hiện tấm bản đồ đã bị sờn, mòn ở một số nếp gấp, có chỗ đã bị rách, nhưng nét bút vẽ các hướng tấn công thì vẫn giữ màu đỏ son, rõ nét, thể hiện ý chí giải phóng dân tộc của quân và dân ta.
Theo hồ sơ hiện vật lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì trước khi chiến dịch diễn ra, bản đồ này có tên khác là "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định". Nhưng sau đó, được đổi tên thành "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh". Bản đồ có chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam ngày 22/04/1975.
Từ bản đồ chiến dịch, 5 hướng tiến công được cụ thể hóa như sau: Hướng Bắc do Quân đoàn 1 đảm nhiệm. Thiếu tướng Nguyễn Hòa làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Minh Thi làm Chính ủy nhận nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, tiêu diệt Sư đoàn 5 Ngụy, tiếp đến đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu Ngụy.
Hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 đảm nhiệm do thiếu tướng Nguyễn Hữu An và Lê Linh chỉ huy, nhận nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Bà Rịa, Nước Trong, Long Bình, chặn đường rút lui của địch trên sông Lòng Tàu, sau đó kết hợp với Quân đoàn 4 đánh vào Dinh Độc Lập. Hướng Tây Bắc, thiếu tướng Vũ Lăng và Đại tá Đặng Vũ Hiệp chỉ huy Quân đoàn 3 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn số 25 của Ngụy, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và phối hợp với Quân đoàn 1 đánh vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Hướng Đông, Thiếu tướng Hoàng Cầm và Hoàng Thế Thiện chỉ huy Quân đoàn 4 tiêu diệt sở chỉ huy Quân đoàn 3 và Sư đoàn 18 Ngụy ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào Nội thành đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Hướng Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng chỉ huy Đoàn 232 (tương đương 1 quân đoàn) tiêu diệt Sư đoàn số 25 Ngụy, chia cắt đường số 4, sau đó đánh chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát Ngụy. Ở các khu vực khác ven thành phố, lực lượng Đặc công và vũ trang tại chỗ đánh vào các cầu quan trọng, dẫn đường lực lượng khác của ta tấn công Sài Gòn, Gia Định.
|
Bản đồ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh". |
Có giá trị đặc biệt
Thượng tá Đỗ Thanh Trúc, Trưởng phòng Kiểm kê Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt, đánh dấu sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tấm bản đồ có chiều dài 185,5cm, rộng 170cm, được làm từ ngày 15 - 21/4/1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đóng ở Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh. Khi chiến dịch kết thúc, tấm bản đồ được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ. Năm 1990, nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tặng tấm bản đồ này cho Bảo tàng Quân đội, nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để trưng bày.
Đại tá Trần Đức Báu, thư ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại trong hồ sơ hiện vật lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rằng: Tấm bản đồ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng cất giữ trong một cặp tài liệu để tại nhà D67 thuộc khu A, nơi làm việc của Bộ Quốc phòng và căn dặn nhân viên giữ gìn cẩn thận. Vì đây là tấm bản đồ có chữ ký của Đại tướng và đồng chí Bảy (bí danh của đồng chí Phạm Hùng) cùng Bộ chỉ huy chiến dịch tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Bản đồ này rất quan trọng, cần phải được lưu giữ lâu dài”.
|
Thượng tá Đỗ Thanh Trúc kể về công tác bảo quản bản đồ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh". |
Ngoài ý nghĩa về việc trưng bày, giáo dục lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Tấm bản đồ vẫn còn nóng hổi tính thời sự thông qua những mũi tên màu đỏ thể hiện đường tấn công vào Sài Gòn, Gia Định.
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì tấm bản đồ được Phòng Tác chiến, thuộc Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giao cho đồng chí Nguyễn Thới Bưng và Vũ Long chỉ đạo gấp rút làm trong 6 ngày. Sau đó, được trình lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề nghị điều chỉnh lại để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đến ngày 14/4/1975 mới được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương phê duyệt. Trên cơ sở đó, ngày 22/4/1975 tấm bản đồ được Bộ Chỉ huy Chiến dịch phê duyệt dưới sự chứng kiến của đồng chí Lê Đức Thọ, thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, thượng tướng Trần Văn Trà...
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1975 cho biết: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẽ bản đồ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh", ông còn được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao cho vẽ bản đồ diễn biến chiến dịch. Điều này thể hiện sự tài tình trong nhận định tình hình sát với thực tế, giúp Bộ chỉ huy, Trung ương Đảng đưa ra những quyết định táo bạo, mạnh mẽ, thần tốc nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 21 năm của quân và dân ta chống lại Mỹ, Ngụy.
(còn tiếp)
Thượng tá Đỗ Thanh Trúc, Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản hiện vật, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: "Trải qua thời gian, tấm bản đồ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh" đã bị mờ, sờn một số vị trí, cho nên chúng tôi đã rút vào để tiện cho công tác bảo quản hiện vật. Đây là tấm bản đồ miền Nam Việt Nam cũ được Bộ chỉ huy lấy về sau đó vẽ 5 hướng tấn công Sài Gòn, Gia Định".