Nghiên cứu mới đã tiến hành theo dõi sức khỏe trên 1.239 bé gái (từ 6-8 tuổi) trong thời hạn 7 năm. Trong đó, các chuyên gia đã kiểm tra độ tuổi của các em tại thời điểm bắt đầu phát triển ngực, tác động của chỉ số khối cơ thể (BMI) và yếu tố chủng tộc. Họ sử dụng tiêu chuẩn đánh giá mức độ trưởng thành của tuổi dậy thì, bao gồm "thang điểm Tanner" đánh giá 5 giai đoạn phát triển ngực ở bé gái. Trong thời gian nghiên cứu, các em được theo dõi xuyên suốt (qua thăm khám đều đặn) để các chuyên gia hiểu tường tận những gì xảy ra với từng em ở từng thời điểm.
Các chuyên gia phát hiện độ tuổi bắt đầu phát triển ngực của đối tượng được nghiên cứu thay đổi tùy thuộc vào chủng tộc, chỉ số BMI và vị trí địa lý. Theo đó, các bé gái người da trắng không có gốc gác Tây Ban Nha và người châu Á bắt đầu phát triển ngực ở độ tuổi trung bình là 9,7 tuổi, trẻ có gốc Tây Ban Nha là 9,3 tuổi và trẻ da màu là 8,8 tuổi. Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện BMI là yếu tố dự báo rõ ràng nhất về tình trạng dậy thì sớm. Dù các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu những yếu tố tâm lý và môi trường nào liên quan đến xu hướng nói trên, nhưng họ cho rằng tình trạng dậy thì sớm ở các bé gái da trắng nhiều khả năng gây ra bởi tình trạng béo phì.
|
Béo phì là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé gái. |
Theo các chuyên gia, trẻ em gái dậy thì sớm thường có xu hướng kém tự tin, dễ bị trầm cảm và khả năng học tập kém hơn so với bạn đồng trang lứa. Dậy thì sớm còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp và ung thư (như ung thư vú, buồng trứng, ung thư màng trong dạ con). Do đó, họ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đặc biệt quan tâm đến vấn đề dậy thì ở bé gái, nhất là kiểm soát cân nặng, để góp phần bảo vệ sức khỏe của các em.
Một nghiên cứu khác của Đại học Temple (Mỹ) phát hiện cho trẻ đi ngủ sớm là phương pháp đơn giản để giúp trẻ phòng chống béo phì.
Các nhà khoa học từng chỉ ra rằng trẻ em gái ngày nay có xu hướng dậy thì sớm hơn so với cách đây vài thập niên. Theo các chuyên gia, thiếu ngủ cũng là yếu tố quan trọng gây nên bệnh béo phì trẻ em, bên cạnh những nguyên nhân khác như sử dụng nhiều thức ăn nhanh, nước ngọt và lười vận động. Kết luận này được rút ra sau khi các nhà khoa học thử thay đổi lịch ngủ của 37 em thuộc độ tuổi 8-11, trong đó có 1/3 bị thừa cân.
Trong nghiên cứu kéo dài 3 tuần, các chuyên gia cho các em thực hiện chế độ ngủ như sau: tuần 1 ngủ bình thường, tuần 2 ngủ thoải mái (ngủ ít hay nhiều hơn bình thường tùy ý) và tuần 3, thời gian ngủ trái ngược hoàn toàn với thói quen bình thường. Kết quả cho thấy khi trẻ ngủ nhiều hơn, cơ thể tiêu thụ năng lượng trung bình ít hơn 134 calorie/ngày và giảm được hơn 226 gram thể trọng. Không chỉ vậy, các xét nghiệm còn cho thấy hàm lượng leptin (hoóc-môn gây cảm giác đói) trong cơ thể các em cũng thấp hơn.
Tiến sĩ Chantelle Hart, trưởng nhóm nghiên cứu, kết luận: "Phát hiện này cho thấy việc tăng thời gian ngủ ban đêm của trẻ đang độ tuổi đi học có thể có những tác động quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi bệnh béo phì".