Theo đó, người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người đó mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1-3 năm. Riêng đối với hành vi phá thai đối với nhiều người hoặc phá thai cho người chưa thành niên sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, ở Việt Nam, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 -1,6 triệu trẻ em được sinh ra tương ứng với đó là con số bào thai bị phá bỏ.Việt Nam đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai. Việc nạo phá thai đặc biệt là nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rất dễ dẫn đến các tai biến, thậm chí gây hậu quả khôn lường.
|
Ảnh minh họa. |
Thông tin trên báo Người lao động, theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), điều 239 Bộ Luật Hình sự đã quy định khá rõ về tội danh và khung hình phạt nghiêm khắc nhưng thực tế xử lý hầu như chỉ là con số 0. Dự thảo này giới hạn và cụ thể hơn về mức khởi điểm phải xử lý hình sự đối với hành vi phá thai trái phép là gây ra thương tật từ 31% trở lên với sức khỏe của người phá thai.
Việc định lượng áp dụng chế tài hình sự khi phá thai trái phép sẽ giúp việc xử lý hình sự về hành vi này sẽ đơn giản, cụ thể, rõ ràng, tất nhiên tính thực thi sẽ cao và tác động giáo dục xã hội sẽ lớn. Điều này là rất cần thiết cho tình hình xã hội hiện nay với tình trạng phá thai trái phép tràn lan. Ở góc độ khác, quy định mới này sẽ dần định hướng hành vi trong xã hội để hạn chế các cơ sở y tế, cá nhân khi thực hiện hoạt động phá thai trái phép nhằm hạn chế thiệt hại cho xã hội.
“Việc phá thai cho “nhiều người” là từ 2 người trở lên đã bị xử lý hình sự mà không phụ thuộc vào có hay không hậu quả gây ra thương tích. Đây là quan điểm rất nghiêm khắc cho hành vi phá thai trái phép. Ở góc độ con người và nghề nghiệp, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm quy định mới này” - luật sư Công nói.