Dương Chí Dũng khai nhiều đồng phạm
Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm khép lại vào ngày 7/5 khi TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng và tham ô 1,666 triệu USD. Bị cáo Mai Văn Phúc (SN 1957, quê Hải Phòng), nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng tử hình vì tội tham ô và 18 năm tội làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả quan trọng. Đồng thời 2 bị cáo này phải nộp cho Nhà nước 110 tỷ đồng.
|
Dương Chí Dũng tại tòa. |
Các bị cáo khác nhận mức án từ 6 - 22 năm tù giam, trong đó có các bị cáo là những lãnh đạo cấp cao của các cơ quan như: nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin...
Trong khi diễn ra các phiên tòa từ sơ thẩm đến phúc thẩm, Dương Chí Dũng đã khiến nhiều người bất ngờ khi khai ra rất nhiều đồng phạm là thân bằng hữu của mình như: em trai Dương Tự Trọng - người giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn. Dương Chí Dũng cũng từng khai về một "ông anh" mật báo đó là tướng Phạm Quý Ngọ.
Dương Chí Dũng khai trong phiên tòa sơ thẩm ngày 7/1, khi nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra để làm rõ những sai phạm quanh việc mua ụ nổi 83M, Dũng rất lo lắng. Chiều 29/4/2012, Dũng cùng vợ đến thăm gia đình ông Phạm Quý Ngọ đang nghỉ mát tại Tuần Châu, Quảng Ninh. Tại đây, Dũng đã trình bày với ông Ngọ về việc bị cơ quan điều tra triệu tập và mong ông xem xét giúp đỡ. "Anh Ngọ trả lời để anh lo. Anh còn cho tôi số điện thoại mới và dặn tôi dùng sim rác để gọi vào số này chứ không nên gọi vào số cũ. Tại đó, tôi đã biếu anh ấy phong bì 10.000 USD" - Dũng khai.
Khi đưa ra những lời lẽ này trước tòa, hẳn Dương Chí Dũng cũng hy vọng rằng đây sẽ là một tình tiết giảm nhẹ cho mình trong phiên xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, đến cuối cùng, tòa vẫn tuyên Dương Chí Dũng mức án tử hình.
ACB và Vietinbank đổ lỗi cho nhau vụ Huyền Như
Tại phiên tòa xét xử bầu Kiên cùng các đồng phạm sáng 29/5, đại diện luật sư của 2 ngân hàng ACB và Vietinbank đều phủ nhận việc thân chủ của mình bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo.
Theo đó, luật sư Ngân hàng ACB khẳng định Ngân hàng ACB tham dự phiên tòa không phải là nguyên đơn dân sự. Theo đó, Ngân hàng ACB chưa thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu. Đối với số tiền 718 tỷ, ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả. ACB cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Sau khi sự việc xảy ra, Vietinbank đã rà soát toàn bộ hệ thống, đối chiếu 100 tài khoản tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh cho thấy không có rủi ro nào từ các hoạt động tiền gửi ngoại trừ các khoản tiền gửi có thỏa thuận lãi suất vượt trần. Việc ACB gửi tiền vào Vietinbank không sai, không sơ sở, không để tội phạm lợi dụng, chỉ có sơ hở duy nhất là Huyền Như đã đánh tráo hợp đồng.
|
Huyền Như tại tòa. |
Còn về phía Vietinbank, luật sư của ngân hàng này khẳng định: "Hậu quả thiệt hại của ACB là từ chủ trương ủy thác gửi tiền mà ra". Việc ACB yêu cầu xem xét trách nhiệm của Vietinbank đối với khoản tiền 718 tỷ đồng là không có căn cứ. Số tiền 718 tỷ thiệt hại của Ngân hàng ACB là lỗi của Ngân hàng ACB vì tạo cơ hội cho Huyền Như lừa đảo. ACB đã không tuân thủ pháp luật về quy định ủy thác gửi tiền. Thời điểm đó không có hướng dẫn nào về hoạt động này. Số tiền này ACB chưa kịp thu hồi nên đã bị Huyền Như đã chiếm đoạt mất.
Cũng theo vị luật sư này, việc ACB ủy thác đem đi gửi tiền với lãi suất vượt trần là sai quy định. Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý chiếm đoạt tiền từ đầu. Vietinbank không hề biết các hành vi của Huyền Như, không có chủ trương về các khoản huy động vượt trần nên không bị thiệt hại và không hưởng lợi gì với khoản tiền này. Vietinbank không gây ra, không có lỗi với thiệt hại của ACB nên không có trách nhiệm với khoản này.
Bầu Kiên "tố" cơ quan cảnh sát điều tra bưng bít thông tin
Cũng trong ngày xét xử thứ 9 (ngày 30/5), bầu Kiên đã tự bào chữa cho mình trước tòa. Đồng thời, bị cáo tố các cơ quan chức năng chưa xử đúng người đúng tội.
Bị cáo Kiên xin phép được đọc đơn kêu oan gửi đến Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng chính phủ và các cơ quan công quyền liên quan đến vụ án trước khi phân tích vì khẳng định nó ảnh hưởng toàn bộ quá trình xác lập tội danh, đánh giá chứng cứ...
Ông Kiên cũng bày tỏ: "Trong suốt quá trình tôi bị bắt, việc gửi đơn tới các cấp vô cùng khó khăn vì đối tượng tôi khiếu nại là cơ quan cảnh sát điều tra và các điều tra viên. Thông tin tới các vị lãnh đạo đã bị bưng bít ngay trong quá trình điều tra".
Nguyễn Đức Kiên nói rằng mình bất ngờ khi bị bắt về tội kinh doanh trái phép. Bị cáo khẳng định mình đã đầu tư hợp pháp, đúng pháp luật và chỉ có 1 người nhận thức không đúng nằm ở cơ quan điều tra và VKSND tối cao nên đã có những nhận định, suy diễn, áp đặt cho ông về tội kinh doanh tài chính trái phép.
|
Bầu Kiên tại tòa. |
Bị cáo cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra đã ghi không đúng khi nói rằng mình là chủ sở hữu của công ty B&B, công ty ACB HN, công ty tài chính Á Châu vì bị cáo chỉ là 1 trong 3 chủ sở hữu của B&B và là đại diện vốn góp của các công ty kia.
Trước những tranh cãi nảy lửa về trách nhiệm với khoản tiền 718 tỷ đồng, trong phiên tòa ngày 30/5, bầu Kiên tiếp tục đưa ra những luận điểm khẳng định mình thực hiện đúng quy định của pháp luật, không quanh co cố ý né tránh. Tôi làm trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo kỹ càng các văn bản pháp luật.
Về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Kiên cho biết, đây là tội danh gây bức xúc nhất, buồn nhất, vì ông là doanh nhân lâu năm lại đi lừa đảo ngay chính bạn thân của mình (tức ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát). "Thoả thuận của tôi với anh Long là thoả thuận của hai chủ tịch hai tập đoàn, dù thoả thuận là lời nói thì cũng được pháp luận công nhận. Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ từ chối thực hiện nghĩa vụ trong thoả thuận giữa đôi bên. Tôi hy vọng HĐXX cho anh Long nói", ông Kiên nói.
Cũng trong phiên tòa này, ông Trần Đình Long bày tỏ những "thâm giao" với ông Nguyễn Đức Kiên và khẳng định "tôi và anh Kiên không có mâu thuẫn, vướng mắc gì cả". Ông Long cũng nói rằng, việc đơn vị này gửi đơn đến cơ quan điều tra là yêu cầu làm rõ chứ không phải đơn tố cáo. Tuy nhiên, Viện kiểm sát đã bác bỏ toàn bộ ý kiến của phía Hòa Phát và giữ nguyên quan điểm truy tố với các bị cáo về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.