Xăng pha khiến động cơ xe bị phá hủy

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nguyên nhân xe không nổ được hoặc chạy vài trăm mét chết máy là do xăng bị lẫn dầu phá hủy động cơ xe.

Hiện tượng gần đây hàng trăm xe máy cùng đổ xăng tại cây xăng Hồng Dương (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bỗng dưng không nổ được máy, có xe nổ được thì chạy khoảng vài trăm mét thì chết máy và không thể khởi động được nữa, khiến nhiều người dân lo lắng.

Nguy hiểm cho động cơ xe 

Xăng bị trộn lẫn dầu hoả vì bất cứ lý do nào đó đều nguy hiểm cho động cơ xe vì động cơ chạy xăng không thể dùng dầu hoả làm nhiên liệu. Nếu vì lý do nào đó, trong xăng bị lẫn dầu thì nguy hiểm cho sự vận hành của động cơ. Nhẹ thì khó nổ máy, nặng thì chết máy hoặc kẹt súp-páp (chi tiết hệ thống nạp hơi cho động cơ) thậm trí còn gây tình trạng làm cong súp-pap. Khi súp-páp bị kẹt nặng còn có thể làm vỡ gít súp-páp (ống dẫn hướng súp-páp), dẫn tới việc phải sửa chữa động cơ rất mất thời gian và tốn kém. 

Lý do gây ra những trục trặc trên là vì hơi dầu hỏa còn tồn tại không cháy kịp trong khí thải sẽ lập tức đọng lại và bám lên thân súp-páp mà giữa thân súp-páp và ống dẫn hướng có dầu bôi trơn. Lúc này dầu hỏa sẽ làm loãng dầu và làm trôi dầu bôi trơn súp-páp. Kết quả là súp-páp bị kẹt dính trong ống dẫn hướng. Trong khi đó, trục cam vẫn cứ đẩy chân van hơi lên thì chắc chắn gây cong và hở súp-páp, làm xe chết máy, không thể khởi động lại và bắt buộc phải thay súp-páp.

Người dân tập trung đòi cây xăng đền bù thiệt hại. 

Trên thực tế, độ nhớt của dầu chỉ bằng 1/15 so với độ nhớt của súp-páp, tức là chỉ 1 - 2cP (xăng-ti Stốc), trong khi đó độ nhớt của dầu bôi trơn súp-páp thông thường tới 30cP. Độ nhớt của dầu bôi trơn thông thường trong xe gắn máy khoảng 30cP đối với Việt Nam là phù hợp, đặc biệt dầu hỏa có tính hòa tan mạnh đối với dầu bôi trơn. Chính vì vậy, khi làm vệ sinh lau rửa các chi tiết, thiết bị bám dầu bôi trơn thì người ta vẫn thường dùng xăng hoặc dầu hỏa để rửa.

Biểu hiện xe bị xăng nhiễm dầu không thể phát hiện ngay khi xe vừa đổ xăng mà khi xe chạy vài km, hoặc chạy xe khoảng hơn 1 phút, nếu tinh ý thấy máy xe có tiếng lục cục và chết máy. Cách khác để nhận biết xăng lẫn dầu hay không là nhỏ ít giọt xăng lên lòng bàn tay rồi thổi nhẹ cho xăng bay hơi hết, sau đó ngửi. Nếu xăng có pha dầu sẽ ngửi thấy mùi dầu hôi. 

Thận trọng khi bơm nhiên liệu cho xe.  

Phải làm thật sạch bình xăng

Một số trường hợp sau khi thay súp-páp rồi nhưng chỉ chạy được thời gian ngắn lại phải tháo ra thay súp-páp khác thì lý do là chưa làm sạch bình xăng. Chỉ cần xăng lẫn dầu vẫn còn dù một ít trong máy cũng tiếp tục có thể gây hỏng súp-páp và có thể phá động cơ máy. Do đó, cách khắc phục phải thay súp-páp nhưng lưu ý là phải làm thật sạch bình xăng, bỏ hết xăng lẫn dầu đi và thay bằng xăng nguyên chất mới đảm bảo động cơ xe không bị tổn hại. Hiện tượng này tương tự như việc đã từng xảy ra do một vài người dùng máy may đem dầu hỏa bôi trơn cho ty lắp kim máy khâu. Kết quả  ty lắp kim máy khâu bị kẹt, gây gãy kim, hỏng máy.

Việc pha dầu vào xăng là hành vi bị nghiêm cấm, nếu cố ý sẽ bị xử phạt nặng, bởi không ai cho phép pha chế như vậy vì rất nguy hiểm cho việc an toàn vận hành máy và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nếu là do bất trắc, bất cẩn trong khi tiếp dầu cho trạm xăng dầu thì những người liên đới phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe.

Đại diện cây xăng Hồng Dương đã có tường trình về việc có sự sai sót trong quá trình tiếp xăng từ xe vào bồn chứa. Theo khai báo của chủ cây xăng Hồng Dương, số lượng xăng bị bơm nhầm dầu vào khoảng 5.000 lít. Số lượng xăng này đã được chủ cây xăng bơm ra 1 bể chứa khác ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, chủ cây xăng không cho biết, số lượng xăng bị pha nhầm dầu đã bán là bao nhiêu và loại dầu bị đổ nhầm vào bồn chứa là loại gì.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh

Bình luận(0)