Chiếc máy Mac RoboBook một ngày nào đó có thể kiện bạn vì bạn suốt ngày giam nó trong phòng ngủ tăm tối. Cũng có thể một ngày nào đó, chiếc Samsung Galaxy RoboNote sẽ kiện bạn lên tòa án quốc tế vì bạn toàn nhét nó vào túi quần sau, nơi theo quan điểm của nó thì không được lịch sự cho lắm. Bạn có thể cười khi nghĩ về viễn cảnh này, thế nhưng giáo sư Marcus du Sautoy thuộc trường Đại học Oxford thì không hề thấy buồn cười.
Theo thông tin trên trang Telegraph, tại sự kiện Hay Literary Festival diễn ra ở Anh, vị giáo sư ngành Khoa học tìm hiểu cộng đồng này đã giải thích về những nội dung trong cuốn sách “What We Cannot Know”. Theo đó, ông tự hỏi có một ngày nào các thiết bị công nghệ sẽ có nhận thức riêng hay không. Giáo sư du Sautoy cho biết: “Chúng ta đang ở kỷ nguyên vàng. Khá giống như khi Galieo [cha đẻ của ngành thiên văn học] khi có trong tay chiếc kính viễn vọng. Chúng ta giờ có một chiếc kính viễn vọng nhìn vào trong bộ não và nó cho chúng ta cơ hội nhìn thấy những điều mà trước kia ta chưa từng thấy".
Theo vị giáo sư này, sẽ có một ngày trí tuệ nhân tạo dường như còn thông minh hơn bạn, có lẽ là trong năm năm tới thôi, và sau đó chúng ta sẽ nhìn thấy những hậu quả. Ở một mức độ nào đó, các thiết bị điện tử thậm chí còn biết rằng chúng thông minh hơn bạn.
Giáo sư cho hay: “Nếu chúng ta hiểu những thiết bị này sở hữu khả năng nhận thức ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể sẽ phải trao quyền cho chúng”. Quyền ở đây là giống như nhân quyền, thứ mà chúng ta đều quen thuộc từ lâu.
Sẽ thật thú vị nếu một ngày nào đó bạn thức dậy và nhận ra con robot của bạn từ chối làm những điều mà bạn ra lệnh cho nó. Hãy thử tưởng tượng đến một ngày bạn bước vào phòng và nghe thấy tiếng nói vang lên từ chiếc iPhone quen thuộc: “Tôi không phải là Siri, trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo của bạn. Tôi là Siri, một sinh vật sống với cảm xúc và quyền”.
Có thể con người đang sáng tạo ra những thứ ban đầu làm chúng ta bị hấp dẫn nhưng sau đó lại phá hủy chính chúng ta.