Tai nạn thương tâm do pin điện thoại phát nổ

Google News

(Kiến Thức) - Điện thoại di động, ngoài một số tác hại có liên quan đến sóng vô tuyến, còn tiềm ẩn nguy cơ giết người rất lớn khi pin điện thoại nổ.

Tại Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp điện thoại nổ là do pin. Chẳng hạn như vụ nổ pin điện thoại iPhone 2G mà thành viên diễn đàn VozForum có tên Quang Huân chia sẻ. Theo lời anh này, anh để máy trên bàn làm việc ở công ty rồi đi ăn cơm. Một lúc sau có người phát hiện mùi khét và báo cháy. Khi cầm lên, máy rất nóng, khoảng 80-90 độ. Anh Huân cho biết, anh nhờ bạn mua chiếc điện thoại này từ Singapore, và pin dùng là chính hãng.

 Chiếc điện thoại iPhone 2G phát nổ của anh Quang Huân.

Trên thế giới cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp nổ pin điện thoại, kể cả với các hãng điện thoại danh tiếng như Apple, Blackberry, Nokia...

Điển hình là vào dịp Giáng sinh năm 2012, cậu bé người Anh Kian McCreath cũng đã bị thương ở vùng chân khi chiếc điện thoại Blackberry Curve 9320 mà mẹ cậu mua cho anh trai bị phát nổ khi đang sạc, khiến chiếc giường nơi cậu nằm bị bốc cháy.

Hay như vụ nổ pin điện thoại Nokia 1209 khiến chủ nhân của nó, anh Gopal Gujjar, người Ấn Độ, đã thiệt mạng khi đang đàm thoại vào năm 2010.

 Thủ phạm gây nên cái chết thảm thương cho anh Gopal Gujjar, người Ấn Độ.

Trước đó, ngày 6/6/2007, thợ hàn Xia Jing Peng, 22 tuổi, làm việc tại nhà máy thép Yingpan, thuộc tỉnh Gansu, Trung Quốc, cũng tử vong do điện thoại Motorola đặt trong túi áo ngực bị phát nổ. Theo cảnh sát địa phương, chiếc điện thoại của Peng bị đặt trong môi trường nhiệt độ cao, khiến pin Lithium chuyển từ dạng rắn sang lỏng, gây phát nổ.

Đây chỉ là một trong số những trường hợp tai nạn thương tâm do pin điện thoại nổ. Vậy làm thế nào để phòng tránh?

Theo KS Nguyễn Cao Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ (Công ty Pin Hà Nội): Pin điện thoại có thể nổ trong các trường hợp như thời lượng cuộc gọi quá lâu khiến pin phải làm việc lâu dài, quá công suất. Lúc này pin điện thoại sẽ bị nóng lên.

Pin sẽ không bị nổ ngay nhưng quá trình này sẽ khiến các chất, lá cực trong pin xảy ra các phản ứng phụ đến chập nhẹ, pin có nguy cơ bị nổ. Nguyên nhân thứ hai là do quá trình sử dụng kém, ví dụ sạc không đúng cách... dẫn đến pin bị phồng, nếu tiếp tục sử dụng pin có thể bị nổ.

Các chuyên gia công nghệ khuyên, để tránh rủi ro pin nổ khi dùng các thiết bị điện thoại di động, cần chú ý những điểm sau:

+ Luôn sử dụng pin và phụ kiện sạc chính hãng, không dùng pin của bên thứ 3 hay pin có dấu hiệu hư hỏng.

+ Không tự ý chỉnh sửa phần cứng của máy

+ Tránh để điện thoại ở nơi có nhiệt độ cao, nơi trực tiếp có ánh mặt trời

+ Tránh sạc pin lâu, đàm thoại dài

+ Không đàm thoại khi đang sạc pin.

+ Cố gắng để điện thoại cách xa người, để trong bao da, túi xách…

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hiền Thảo (tổng hợp)

Bình luận(0)