Sự thật về thiết bị lọc nước không dùng điện

Google News

Theo các chuyên gia, điện dùng cho các máy lọc nước thông thường không có tác dụng với bộ lọc mà dùng cho bộ phận bơm áp suất nước.

- Trên thị trường hiện có những thiết bị lọc nước được quảng cáo là không dùng điện. Theo các chuyên gia, điện dùng cho các máy lọc nước thông thường không có tác dụng với bộ lọc mà dùng cho bộ phận bơm áp suất nước.
[links()]
Lọc nước uống ngay không cần điện
 
"Nếu không dùng điện thì chỉ có thẩm thấu bình thường như chúng ta vẫn dùng than hoạt tính hay bình gốm để lọc nước. Mà như vậy thì chỉ một thời gian là hết tác dụng chứ không hề có tác dụng trường cửu như quảng cáo".
TS Nguyễn Văn Khải
Ngày 5/11, khi tìm hiểu tại một số cửa hàng máy lọc nước trên đường Trường Chinh (Hà Nội), chúng tôi được giới thiệu thiết bị lọc cho thành phẩm là nước uống ngay, không cần dùng điện. Anh Nguyễn Bá Quỳnh, chủ cửa hàng máy lọc nước Quỳnh Hạnh cho biết: Thiết bị lọc sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) cho nước uống tại vòi không cần đun nấu, hoặc có loại lọc nước máy làm nước nấu ăn với hệ thống lọc hai lõi với một lõi thô lọc cặn bẩn còn một lõi than hoạt tính dùng khử độc tố và clo dư thừa.

Theo TSKH Trần Văn Nhị, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, máy lọc nước sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược có thể lọc được một số độc chất và chất hữu cơ, cặn bẩn, vi khuẩn tùy theo từng bộ lõi lọc và màng lọc khác nhau. Việc dùng điện chỉ có tác dụng phục vụ máy bơm để tạo áp lực nước, đẩy nguồn nước từ dưới thấp đi lên qua các bộ phận lọc.

Tuy nhiên, theo TSKH Trần Văn Nhị, điều đáng quan tâm khi mua máy lọc nước không phải là việc có dùng điện hay không, mà người mua nên chú ý đến khả năng lọc nước sạch đến đâu. "Điều đầu tiên cần xem xét khi mua máy lọc nước phải là máy lọc hiệu quả đến đâu, lọc được chất gì, chất bẩn giữ lại sẽ đi đâu, giá thành khi thay những phụ kiện này...", TSKH Trần Văn Nhị nhấn mạnh.

Nên thay lõi lọc đúng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nên thay lõi lọc đúng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thẩm thấu từ từ

KS Điện - Điện tử Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự phân tích thêm: Công nghệ lọc RO, cũng như các loại lọc nước bằng than hoạt tính, bằng lõi gốm hay thủ công hơn là lọc bằng bể cát và giàn phun... có thể không cần dùng điện. Điểm khác biệt khi sử dụng điện chỉ là các thiết bị này có thể sử dụng nguồn nước dưới thấp và nhờ bơm điện hút lên tạo áp lực đẩy nước qua các lớp lọc. Điều này khiến quá trình lọc diễn ra mạnh và nhanh hơn. Còn nếu không có điện thì nguồn nước đầu vào phải được bố trí cao hơn màng lọc để nước có thể chảy xuống và thẩm thấu từ từ qua các bộ phận lọc.

TSKH Trần Văn Nhị cũng khẳng định, mặc dù ông không nắm rõ thiết kế của những loại máy lọc không dùng điện nhưng ông chắc chắn rằng các máy lọc này phải tuân theo nguyên tắc cho nguồn nước chảy từ trên cao xuống các màng lọc.

Một điều mà các chuyên gia lưu ý người sử dụng là bất kể loại lõi lọc hấp phụ nào gồm: Lọc gốm, xốp, than hoạt tính, hay màng R/O... cũng chỉ có thể "dung nạp" một lượng tạp chất nhất định. Nếu nguồn nước đầu vào nhiều cặn bẩn, nồng độ độc chất cao thì "công suất hấp phụ" sẽ càng cao và lõi lọc càng nhanh chóng bão hòa, và khi đó hiệu quả lọc sẽ thấp.

PGS.TS Lê Văn Cát, Phòng Môi trường, Viện Hóa học cảnh báo, nước khi đã lọc qua màng RO đơn thuần thì sẽ như nước cất, đồng nghĩa là mất đi các khoáng chất cần cho cơ thể. Và tất nhiên điều đó sẽ không tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra, khi sử dụng cần phải duy trì màng thật tốt, tránh tình trạng để bẩn thì chất lượng nước sẽ bị đe dọa.

Vì vậy, người sử dụng nên chú ý thay lõi lọc, màng lọc định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc thậm chí là sớm hơn nếu nguồn nước nơi mình sinh sống lẫn nhiều tạp chất bẩn. Ngoài ra, dù là với máy lọc uống liền, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân nên đun nước sôi, để tránh nguy cơ nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.
Về một số loại thiết bị lọc nước được quảng cáo là có khả năng loại bỏ được amip ăn não người, TSKH Trần Văn Nhị cho rằng: Đối với nước uống thì tốt nhất nên dùng nước đun sôi sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm khuẩn. Còn với nước sinh hoạt như để tắm giặt, hay thậm chí tưới rau, là nguồn nước có nguy cơ nhiễm amip, thì không ai lại mang lọc qua máy lọc nước rồi mới dùng. Điều này là phi lý.
Lê Na 
[links()]

Bình luận(0)