Giặt giá rẻ
Với mức giá giặt ướt là 5.000đ/kg, giặt khô là 10.000đ/kg, rất nhiều người lựa chọn đem quần áo ra cửa hàng giặt.
Vậy là với tần suất giặt liên tục, quần áo vẫn sẽ được giặt khô, nhưng không biết vi khuẩn của những mẻ quần áo trước có được xả hết ra ngoài? Đem thắc mắc này đến tiến sĩ Trần Văn Thắng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi được biết, cách giặt này không cẩn thận sẽ mang thêm vi khuẩn vào quần áo.
Ngay cả máy giặt thông thường để ở nhà, chỉ cần ít lau dọn vệ sinh là đã có hàng triệu vi khuẩn trú ngụ và sẵn sàng bám dính vào quần áo bất cứ lúc nào. Đặc biệt, quần áo lót là nơi vi khuẩn trú ngụ nhiều nhất như E.coli, virus rota, virus gây viêm gan A... Các loại vi khuẩn từ da, như staphylococcus, đều có thể tìm thấy trên quần áo và khăn tắm.
Nhiều người cho rằng, bột giặt, nước xả hay các chất tẩy rửa sẽ diệt sạch các loại vi khuẩn này nhưng thực tế không phải vậy. Chúng chỉ có thể giặt sạch đất và bụi bẩn, các loại vi khuẩn này vẫn có điều kiện trú ngụ trong máy giặt nếu không được xả nước và làm vệ sinh máy giặt đúng cách, thường xuyên.
Tiến sĩ Trần Văn Thắng nhấn mạnh, cùng với quần áo lót, quần áo trẻ em không được đem ra cửa hàng giặt công cộng vì nguy cơ nhiễm khuẩn là rất lớn. Tốt nhất nên giặt đồ trẻ em bằng tay.
|
Máy giặt không được vệ sinh, cộng thêm thời tiết ẩm ướt thì vi khuẩn càng sinh sôi, nó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho quần áo giặt. |
Làm sạch bằng chạy không tải
Theo các chuyên gia, với máy giặt trong gia đình, nên định kỳ làm sạch lồng giặt bằng chất tẩy và nước mà không có quần áo bên trong (máy chạy không tải). Có thể cho xà phòng tắm, thuốc tẩy vào giặt với chế độ nước nóng để vệ sinh làm sạch máy, tiêu diệt hết vi khuẩn trú ngụ trong máy. Nên vệ sinh máy giặt đều đặn, ít nhất là 2 lần/tháng. Giặt quần áo bằng nước nóng, phân loại quần áo ra để giặt. Khi quần áo giặt xong cần lấy ra khỏi máy giặt và đem phơi ở nơi có nhiều nắng, không nên để quần áo vừa giặt xong ở những góc ẩm ướt như góc nhà tắm...
Cũng theo TS Trần Văn Thắng, nhiều người có thói quen sử dụng nước xả trong máy giặt. Đây cũng là thói quen làm vi khuẩn trong máy giặt sinh sôi. Các chất làm mềm vải sẽ để lại dầu và silicon nằm lại trong máy giặt. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn bám dính chực chờ bám vào quần áo ở những lần giặt kế tiếp. Tốt nhất muốn sử dụng nước xả vải thì nên giặt xong rồi ngâm nước xả ở bên ngoài. Việc này có thể tốn nhiều công sức hơn nhưng đó là cách để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn.
Theo TS Lưu Thị Bích Thủy, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, những chiếc máy giặt hoạt động hết công suất không ngừng nghỉ, đa phần người kinh doanh không có ý thức làm sạch máy giặt thì nguy cơ nhiễm khuẩn cho quần áo càng lớn. Máy giặt không được vệ sinh, cộng thêm thời tiết ẩm ướt thì vi khuẩn càng sinh sôi, nó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho quần áo giặt. Vì thế, chỉ đem ra ngoài hàng những loại quần áo quá bẩn do bùn đất, bụi đường. Hạn chế tối đa việc lạm dụng máy giặt để đảm bảo sức khoẻ. Với máy giặt ở nhà, nếu quần áo xuất hiện những vết ố không rõ nguyên nhân thì lập tức phải vệ sinh máy giặt ngay.
Vi khuẩn E.coli có mặt ở trong máy giặt do một nguyên nhân chính là từ các đồ lót. Nghiên cứu do GS Gerba thực hiện (được tài trợ bởi công ty hóa chất chlorine của Mỹ) cho thấy, 60% máy giặt do ông nghiên cứu bị nhiễm các vi khuẩn dạng coli và trong số các dạng coli này thì E.coli chiếm 10%.