Động vật tiết ra chất độc khi bị đau
Trường phái những người ăn chay quan niệm, con người khi buồn đau, căng thẳng, mệt mỏi thì trong người sẽ tiết ra những hormon khiến cơ thể suy yếu, giống như là chất độc. Ở động vật, cơ chế này cũng có biểu hiện tương tự như con người. Khi bị giết thịt, chúng sẽ trải qua cảm giác đau đớn. Đồng nghĩa, chúng sẽ tiết ra chất độc ở trong thịt mà khi ăn thịt đó, con người cũng đồng thời ăn cả chất độc này.
Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Huy Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăn nuôi và Huấn luyện gia cầm cho biết, đây là cơ chế có thật ở động vật. Tuy nhiên, thịt của chúng có gây độc cho con người hay không thì đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chỉ ra. Thực tế đã chứng minh, những con lợn bị đánh đập nhiều trước khi giết mổ sẽ tiết ra chất có hại làm giảm chất lượng thịt, thời gian bảo quản thịt không được lâu. Kể cả ở những gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng cũng như vậy. Bởi thế mà ở nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng tạo những điều kiện sống tốt nhất cho động vật được thoải mái để tránh những chất có hại trong thịt của chúng.
Đã từng so sánh về chất lượng thịt của lợn bị đánh đập trước khi giết mổ và lợn được nuôi và vận chuyển đến nơi giết mổ theo quy chuẩn, PGS.TS Nguyễn Huy Đạt cho biết: Chất lượng thịt có sự khác nhau hẳn. Trong thịt lợn có một chất men mà người ta vận dụng vào trong cơ chế chọn giống để lựa chọn những con có thể kháng được chất đó. Ở một nghiên cứu khác thì có thể do một loại gen nào đó trong con vật quy định điều này. Khi lai tạo giống, người ta sẽ loại bỏ cái gen đó để đảm bảo chất lượng thịt tốt hơn. Còn nói động vật bậc càng cao thì chất độc tiết ra càng nhiều là không có cơ sở.
|
Việc giết thủ công như chọc tiết cho lợn kêu rống lên thì không thể có chất lượng thịt cao. |
Động vật bậc thấp có nhiều khoáng vi lượng
TS Nguyễn Quế Côi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi cho hay, động vật khi bị căng thẳng, bị đánh đập hành hạ thì nồng độ axit trong thịt sẽ tăng lên, theo đó làm giảm chất lượng thịt. Ở một số con vật thì lại có phản ứng ngược lại là nồng độ axit xuống quá thấp, điều này cũng ảnh hưởng đến việc bảo quản thịt. Axit quá cao hoặc quá thấp sẽ làm thịt càng nhanh hỏng, ăn không ngon.
Về hình thức, thịt sẽ trở nên nhão, màu sẫm tối. Bởi thế mà trước khi đem đi giết thịt 48 tiếng, về nguyên tắc là người ta phải đưa động vật vào nơi nghỉ ngơi với điều kiện thoải mái. Khi giết thịt, phải tiến hành giết rất nhanh và tuân thủ đúng quy trình giết thịt. Việc giết thủ công, đặc biệt là giết trâu, bò bằng các hình thức như đập búa vào đầu hay như chọc tiết cho lợn kêu eng éc rống lên thì không thể có chất lượng thịt cao được.
Theo TS Nguyễn Quế Côi, quan điểm không ăn thịt động vật hoặc chỉ ăn thịt động vật bậc thấp mang ý nghĩa nhân đạo hơn là khoa học về chất lượng chăn nuôi hay chất lượng thịt. Ở những người theo đạo, họ có xu hướng coi động vật có linh hồn. Việc giết thịt con này thì nó sẽ đời sau "báo ứng". Tất nhiên, không một đề tài nghiên cứu khoa học nào có thể khẳng định điều này. Do vậy, nếu đã là niềm tin, là quan niệm, thì mỗi người tự cân nhắc để sống với niềm tin, quan niệm đó.
Còn việc nên ăn thịt của động vật bậc thấp, điều này là có lý do. Ở đa số các loài động vật bậc thấp hoặc các loài côn trùng, chúng có nhiều hàm lượng khoáng vi lượng mà ở những động vật bậc cao hơn không có hoặc có rất ít. Vì thế, việc sử dụng động vật bậc thấp như tôm, cá, cua, ốc... làm thức ăn thường xuyên luôn tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, về quan điểm động vật bị đau khi giết thịt thì người ăn thịt đó cũng độc là không đúng, hiện khoa học chưa chỉ ra được điều này.
Khi chăn nuôi mà sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, các hormon tăng trọng, thức ăn không đảm bảo, chuồng trại không vệ sinh... thì không thể có chất lượng thịt tốt được. Việc giảm căng thẳng cho động vật khi giết mổ chỉ là khâu cuối cùng để có nguồn thịt sạch, an toàn.
TS Nguyễn Quế Côi
|
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: