Cần thận trọng khi chế tạo vệ tinh

Google News

Sau sự cố vệ tinh F-1 không thu được tín hiệu, có ý kiến băn khoăn liệu Việt Nam có đủ năng lực chế tạo vệ tinh.

- Sau sự cố vệ tinh F-1 không thu được tín hiệu, có ý kiến băn khoăn liệu Việt Nam có đủ năng lực chế tạo vệ tinh. Theo ông Vũ Việt Phương, Trưởng phòng Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh (Trung tâm Vệ tinh Quốc gia), chế tạo vệ tinh nhỏ cỡ 1kg không quá khó nhưng nếu không chuẩn bị kỹ, thì không chỉ đốt tiền mà còn tạo thêm một nguồn rác mới cho vũ trụ.
 
[links()]
 
Cỡ 1kg không quá khó

Vệ tinh được chia làm nhiều loại gồm vệ tinh khoảng 1kg gọi là vệ tinh siêu nhỏ (pico) (vệ tinh F-1 có kích thước 10 x 10 x 10cm và nặng 1kg), vệ tinh dưới 10kg là vệ tinh nano, vệ tinh dưới 100kg là vệ tinh mico, vệ tinh dưới 500kg gọi là vệ tinh nhỏ.

Với vệ tinh cỡ từ hơn 100kg đối với Việt Nam vẫn còn ở thì tương lai xa. Và nếu ví vệ tinh như một chiếc xe, thì tính năng của vệ tinh pico chỉ giống như chiếc xe kút kít, chiếc xe sơ khai nhất. Với các nước có nền công nghệ vũ trụ và điện tử bán dẫn phát triển, việc mua sắm linh kiện, thiết bị cho chế tạo vệ tinh pico khá dễ dàng. Sinh viên các trường đại học cũng có thể chế tạo vệ tinh pico dưới sự hướng dẫn của các giáo sư.

Một điểm nữa cần nhấn mạnh là vệ tinh nhỏ cỡ 1kg chủ yếu phục vụ mục đích tiếp cận nghiên cứu công nghệ vệ tinh, đào tạo chứ ít khi phục vụ mục đích nghiên cứu cơ bản và không thể tính đến chuyện thương mại. Việc chế tạo vệ tinh pico chỉ có ý nghĩa làm quen, hiểu và thực hành một quá trình hoàn chỉnh từ thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm, phóng... một vệ tinh. Ảnh của vệ tinh này nếu thu được cũng chỉ cho thấy kết quả của việc phóng thành công, chứ không thể phục vụ công tác nghiên cứu hoặc làm thương mại được vì độ phân giải rất thấp.

Vệ tinh F-1.
Vệ tinh F-1.

Làm bài bản, thận trọng

Trong phát triển vệ tinh, sự cố dẫn đến mất kiểm soát, hỏng hóc là khá lớn do đặc điểm môi trường, điều kiện phóng khắc nghiệt và đặc biệt khả năng khắc phục sự cố từ xa, nên việc ứng cứu trực tiếp hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của con người. Tại Ấn Độ, trong những năm 1975 - 1995, 9/34 vệ tinh đã gặp sự cố. Trong giai đoạn 1996 - 2005, tỷ lệ vệ tinh gặp sự cố là 10/25 chiếc. Trong giai đoạn 2006 đến nay tỷ lệ vệ tinh gặp sự cố là 6/39. Có nhiều loại sự cố như có vệ tinh gặp sự cố ngay từ khi bắt đầu phóng, có vệ tinh phóng thành công nhưng không đến được vị trí cần đến, có vệ tinh hỏng trong quá trình hoạt động...

Vì phóng vệ tinh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nên việc chế tạo và phóng vệ tinh phải được thực hiện bài bản, đúng trình tự, đặc biệt là các khâu ở mặt đất phải chuẩn chỉ từ khâu thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và chuẩn bị phóng...

Không nói đâu xa, ngay ở Việt Nam, để có thể làm chủ công nghệ chế tạo chế tạo vệ tinh viễn thám phục vụ quan sát Trái Đất vào năm 2020 thì ngay từ bây giờ đã phải thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ chuyên gia. Không chỉ học trong nước, những người sẽ trực tiếp chế tạo vệ tinh còn phải sang nước ngoài để học tập, thực tế công việc tại Trường đại học và công ty chế tạo vệ tinh.

Đối với vệ tinh pico cỡ 1kg, rất khuyến khích thế hệ trẻ tham gia nghiên cứu. Bởi khi chế tạo, các bạn trẻ sẽ nắm được các kỹ thuật từ đó làm những vệ tinh lớn hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng số tiền phóng một vệ tinh pico vào khoảng 20.000USD. Vì thế, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng thì rõ ràng là đang đốt tiền. Hơn thế, nếu chúng ta không chuẩn bị thật kỹ, thì không chỉ chúng ta đốt tiền mà vô hình chung sẽ tạo thêm một nguồn rác mới cho vũ trụ.
Tối 4/10, vệ tinh F-1 do Phòng Nghiên cứu không gian FSpace, Trường Đại học FPT chế tạo đã được thả ra khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng cánh tay robot của mô-đun Kibo sau khi được phóng lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản hôm 21/7.
Minh Châu
[links()]

Bình luận(0)