Người phụ nữ họ An, ở Vũ Hải, khu tự trị Nội Mông, miền bắc Trung Quốc, đã bí mật tiếp tục công việc của chị gái mình tại một nhà máy địa phương sau khi người chị qua đời trong một vụ tai nạn xe năm 1993.
Không rõ hai chị em có ngoại hình giống nhau hay không, South China Morning Post đưa tin.
Theo Tòa án nhân dân quận Hải Bột Loan của thành phố Vũ Hải, bà An làm việc tại nhà máy cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007. Đến tháng 1/2008, mạo danh người chị gái đã qua đời của mình, An làm thủ tục nghỉ hưu và bắt đầu nhận tiền trợ cấp, kéo dài cho đến tháng 4/2023.
Sau 14 năm đi làm, bà An nhận được khoản lương hưu gần 400.000 nhân dân tệ (hơn 1,4 tỷ đồng).
Bị công an triệu tập, An đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện nhận tội và hoàn trả số tiền. Tòa án nhân dân quận Hai Bột Loan kết luận An phạm tội lừa đảo.
Nhờ sự thú nhận và hoàn trả số tiền, tòa tuyên án An 3 năm tù và khoản tiền phạt 25.000 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thông cảm đối với người phụ nữ này. Dân mạng cho rằng bà An đã làm việc suốt 14 năm chứng tỏ bà có năng lực và hoàn thành tốt công việc được giao. Ngoài ra, câu chuyện còn thể hiện sự giám sát của nhà máy nơi bà làm việc quá lỏng lẻo.
"Ai mà đi làm 14 năm chỉ để nhận lương hưu? Bà ấy chỉ đơn giản là nhận một công việc. Làm 14 năm chứng tỏ bà ấy có năng lực", một người bình luận.
"Bà ấy đã trả không thiếu đồng an sinh xã hội nào và cũng làm việc đầy đủ. Tại sao bà ấy không được nhận lương hưu khi về già? Bà ấy lương thiện hơn những người không làm gì mà vẫn nhận tiền", một người khác bày tỏ.
Nhiều người cũng nhắc đến "hệ thống thay thế" lịch sử ở Trung Quốc, một hiện tượng nổi tiếng từ những năm 1950 đến những năm 1980, khi con cái thay thế vào vị trí công việc khi cha mẹ đã nghỉ hưu hoặc từ chức.
Mặc dù hệ thống này đã bị loại bỏ vào cuối những năm 1980 với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và các giá trị của việc làm công bằng và cạnh tranh, hệ thống này đã giải quyết được nhiều vấn đề việc làm vào thời điểm đó.