Xa nhà cả năm, khó khăn cũng mong về quê đón Tết

Google News

Với nhiều người, gần một năm ông bà chưa gặp cháu, bố mẹ chưa gặp con, Tết là dịp để cả nhà đoàn tụ. Tuy nhiên, quy định cách ly khiến họ bối rối.

Bố mất sớm, nhà chỉ còn mẹ già nên năm nào anh Huỳnh Ngọc Tân (27 tuổi, quê Quảng Ngãi), hiện làm việc trong mảng editor tại TP.HCM, cũng mong tới Tết Nguyên đán để về nhà.

“Mình thì dù khó khăn, túng thiếu thế nào cũng ráng về quê đoàn tụ với mẹ và anh chị mấy ngày Tết. Mẹ cũng hơn 60 tuổi rồi, ở một mình ngoài ấy cũng tội. Con cái đi làm xa cả năm, chỉ mong dịp này về được đoàn tụ. Làm việc thì có thể cả đời nhưng mỗi năm mẹ lại già đi, mình không muốn sau này phải hối tiếc”, anh nói với Zing.

Xa nha ca nam, kho khan cung mong ve que don Tet

Anh Huỳnh Ngọc Tân chưa vội đặt vé xe khách về quê ăn Tết khi dịch bệnh còn nhiều biến động.

Hơn một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, giờ này mọi năm, anh Tân đã lên kế hoạch về quê và đặt vé xe khách.

Tuy nhiên năm nay, sợ bùng dịch mạnh không về được, anh đợi tới gần ngày mới gọi nhà xe thử.

Giống như Ngọc Tân, trong tình hình dịch bệnh đầy biến động, nhiều người đang sinh sống và làm việc xa quê hương chưa thể chắc chắn có về đoàn tụ gia đình vào dịp Tết được hay không.

Quy định cách ly của các địa phương liên tục thay đổi vẫn là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

“Không còn vé cũng ráng chạy xe về”

Vợ anh Tân từng làm việc ở TP.HCM. Sau khi về Quảng Ngãi sinh con từ ngày 27/4, chị mắc kẹt ở quê, chưa thể trở lại do dịch phức tạp.

Bởi vậy, dù con đã 8,5 tháng tuổi, ông bố trẻ vẫn chưa thể gặp bé.

Anh Tân cho hay số ca mắc Covid-19 mới trong ngày ở Quảng Ngãi hiện dao động khoảng 100 hoặc hơn. Theo anh tìm hiểu, địa phương không còn cách ly tập trung người về từ vùng dịch mà chỉ yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày.

Do Tết Dương lịch chỉ được nghỉ hơn một ngày, anh Tân nói về quê cũng không đủ thời gian cách ly.

“Giờ mình chỉ mong dịch giảm dần để Tết Âm lịch được về gặp mẹ, vợ và con. Chứ từ khi chào đời đến giờ, con chưa gặp mặt mình, Tết về cũng không biết ba là ai. Tới ngày về mà không còn vé xe khách, có lẽ mình cũng ráng chạy xe máy về”, anh chia sẻ.

Xa nha ca nam, kho khan cung mong ve que don Tet-Hinh-2

Vợ chồng chị Đỗ Cẩm Nhung khó về quê đón Tết do vướng quy định cách ly ở địa phương.

“Ngày trước ở quê mình, nghe ai từ Sài Gòn về là bà con lối xóm mừng lắm, tới nhà hỏi thăm cho vui. Từ ngày có dịch, mọi người thay đổi hẳn cũng vì lo sợ”, anh nói thêm.

Tuy dịch bệnh còn phức tạp, anh Tân mong bản thân cũng như những người làm ăn xa xứ được về quê đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết.

“3 ngày Tết là điều gì đó rất thiêng liêng. Ông bà, cha mẹ, anh chị hay con cái đều mong ngóng những người xa xứ trở về. Tiền bạc có thể kiếm thêm mấy triệu ngày Tết nhưng không đổi lại được bằng tình thương gia đình”, anh nói.

Nhiều ngày qua, chị Đỗ Cẩm Nhung (27 tuổi, quê Yên Bái), hiện làm việc trong ngành ngân hàng ở Hà Nội, cũng sốt ruột theo dõi quy định cách ly ở địa phương.

Chia sẻ với Zing, chị Nhung cho hay từ Tết Âm lịch 2021, gần một năm nay chị chưa về quê ngoại. Đợt Tết Dương lịch này, vợ chồng chị tính đưa con về thăm người thân nên đều xin nghỉ phép một tuần. Thế nhưng, quận Đống Đa vừa tăng cấp độ dịch lên vùng cam, nếu về phải cách ly tập trung nên họ chưa biết tính thế nào.

“Mình muốn đưa con về quê khi còn có cụ và bà bé. Nhưng cách ly tập trung 14 ngày đối với trẻ chưa tiêm vaccine thì hết thời gian. Để gần hôm đó, nếu có chỉ thị mới thì gia đình mình về và đi xe riêng để đảm bảo an toàn. Giờ quy định thay đổi từng ngày, chỉ lo về xong mắc kẹt thì công việc không biết làm sao”, chị Nhung nói.

Xa nha ca nam, kho khan cung mong ve que don Tet-Hinh-3 

Trong tình hình dịch bệnh đầy biến động, nhiều người đang sinh sống và làm việc xa quê hương chưa thể chắc chắn có về đoàn tụ gia đình vào dịp Tết được hay không. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Đành ăn Tết xa nhà

Nghe tin người từ xa về địa phương chỉ phải cách ly tại nhà 7 ngày khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, chị Quỳnh Nga (28 tuổi, quê Ninh Bình), hiện sinh sống và kinh doanh tự do ở quận 7, TP.HCM, rục rịch đặt vé máy bay ra Hà Nội để từ đó đi xe khách về quê ăn Tết Nguyên đán với bố mẹ.

Tuy nhiên, hôm sau, chị nhận được thông tin thay đổi rằng quy định mới yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày.

“Cách ly lâu vậy thì hết cả Tết. Nghỉ lễ có 9 ngày mà cách ly tới 14 hôm. Mình hỏi thì kể cả xét nghiệm Covid-19 âm tính vẫn phải đi cách ly tập trung nên có lẽ Tết này mình đành ở lại Sài Gòn”, chị nói với Zing.

Vào TP.HCM từ 2017, chị Nga thường về thăm gia đình 3 lần vào dịp Tết Âm lịch, hè và gần Tết Dương lịch mỗi năm. Vì dịch bệnh bùng phát mạnh, năm nay, chị giảm chỉ còn một lần về quê.

Chưa khi nào đón Tết xa nhà, dù rất nhớ bố mẹ, chị không thể lựa chọn khác.

Xa nha ca nam, kho khan cung mong ve que don Tet-Hinh-4

Chị Quỳnh Nga và em trai xác định năm nay đón Tết Nguyên đán xa nhà.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Năm nay, có lẽ chỉ hai ông bà ăn Tết với nhau vì em trai mình cũng đang ở TP.HCM. Tết xa xứ cũng buồn lắm nhưng về không gặp được nhau thì ở lại cho yên ổn, chờ khi nào quy định không khắt khe nữa thì về”, chị Nga nói.

Dù xác định cơ hội chỉ là 50/50, chị vẫn theo dõi khi quy định cách ly ở địa phương liên tục thay đổi.

“Thực ra mỗi năm, chỉ có Tết là mình muốn về nhất vì dịp này có ý nghĩa sum vầy, đoàn tụ gia đình. Vé máy bay cũng không đắt, chỉ khoảng 1,4 triệu đồng chuyến TP.HCM - Hà Nội vào hôm 29 Tết. Nếu quy định giảm chỉ còn cách ly tại nhà 7 ngày, thêm yêu cầu xét nghiệm RT-PCR cũng được, mình có thể suy nghĩ lại”, chị nói.

Tranh thủ cuối năm công việc bớt bận rộn, chị Nga cùng bạn bè đang đi du lịch Phú Quốc. Chị cho biết cả nhóm chỉ cần xét nghiệm âm tính, đến sân bay cũng không gặp khó khăn gì.

Theo chị Nga, hòn đảo hiện khá đông khách du lịch và mọi thứ gần như đã trở lại bình thường.

“Sau đợt dịch căng thẳng, mình đã có thể đi du lịch nhiều nơi nhưng chỉ có quê hương là chưa về được. Quy định chặt chẽ khiến những người ở xa muốn về quê ăn Tết cũng khó. Mình phần nào cảm thấy thiệt thòi cho họ. Nhưng quy định vẫn là quy định, đành chấp nhận, thông cảm chứ không biết làm sao”, chị nói.

Theo Thiên Nhi/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)