Chức vô địch 'đen tối' của chủ nhàItalia từng vô địch World Cup 1938 với rất nhiều điều tiếng, tuyển Anh lần đầu lên đỉnh thế giới năm 1966 nhờ “bàn thắng ma” lịch sử, kỳ tích năm 2002 của Hàn Quốc bị vấy bẩn bởi những quyết định của trọng tài. Tuy nhiên, xét về độ mờ ám và “thủ đoạn”, tất cả đều kém xa chức vô địch World Cup 1978 của Argentina.
Kỳ World Cup 1978 được tổ chức ở Argentina mang nhiều ý nghĩa với quốc gia Nam Mỹ này. Độc tài Jorge Rafael Videla muốn dùng bóng đá để xoa dịu bất ổn chính trị (hàng trăm người Argentina bị thảm sát vì mục tiêu chính trị).
Đúng như "tính toán", Argentina đã làm nên điều kỳ diệu khi vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn ở thời điểm ấy như Brazil, Hà Lan để lên ngôi vô địch. Trong đó, ngôi sao Mario Kempes được nhắc tới như cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Màn trình diễn tuyệt vời của ông (Vua phá lưới với 6 bàn) đã giúp Argentina lần đầu lên đỉnh ở World Cup 1978.
Thế nhưng, đằng sau "điểm sáng" ấy, chức vô địch của Argentina vẫn khiến nhiều người đặt nghi vấn. Phải chăng, Chính phủ Argentina đã tác động để đội nhà lên ngôi vô địch World Cup trên sân nhà?
Trận đấu giữa Peru và Argentina ở vòng bảng thứ 2 được xem là một trong những trận đấu bí ẩn nhất lịch sử bóng đá. Khi ấy, Argentina nằm chung bảng với Brazil, Ba Lan và Peru. Ở vòng đấu thứ nhất, Brazil đã hạ gục Peru 3-0, còn Argentina đánh bại Ba Lan với tỷ số 2-0. Tới vòng thứ 2, Argentina và Brazil đã hòa nhau 0-0.
Trong trận đấu sớm ở lượt thứ 3, Brazil đã hạ gục Ba Lan với tỷ số 3-1. Điều đó có nghĩa rằng, Argentina phải thắng Peru với cách biệt 4 bàn mới có thể lọt vào trận chung kết. Cuối cùng, Argentina đã hủy diệt Peru với tỷ số 6-0.
Điều đáng nói, ở thời điểm ấy, dư luận đã đặt vấn đề về trận đấu này. Có tin Argentina đã cung cấp 35.000 tấn hạt ngũ cốc cho Peru (khi ấy Peru đối diện với khủng hoảng lương thực) để đổi lấy chiến thắng đậm. Tới nay, nghi án này vẫn nằm trong vùng bí ẩn.
Ở trận chung kết, Argentina đã sử dụng mọi tiểu xảo để ngăn cản sức mạnh của Hà Lan (thiếu vắng Johan Cruyff ở giải đấu này). Mario Kempes mở tỷ số ở phút 38 cho Argentina và đến phút 82, Nanninga gỡ hòa 1-1 cho Hà Lan.
Thần may mắn cũng đứng về phía đội tuyển xứ Tango khi Rob Rensenbrink sút trúng cột dọc ở thời điểm trận đấu chỉ còn 2 phút. Argentina giành chiến thắng 3-1 trong thời gian thi đấu hiệp phụ và giành chức vô địch, nhờ các bàn thắng của Kempes (105') và Bertoni (115').
Nỗi đau khôn cùng của "Cơn lốc cam"Hà Lan thường xuyên được đánh giá là một trong những nền bóng đá mạnh nhất châu Âu. Nhưng dường như có một cái “dớp” nào đó, luôn ngăn cản Cơn lốc màu da cam bước lên bục vinh quang nhất của World Cup.
Tại World Cup 1974, Hà Lan sở hữu “thế hệ vàng” với những huyền thoại như Johann Cruyff, Rensenbrink hay Van Hanegem…
Thế nhưng, những người Hà Lan lại phải dừng cuộc chơi ở trận đấu cuối cùng với Tây Đức. Neeskens giúp Hà Lan vươn lên rất sớm trong trận chung kết. Nhưng Breitner đã gỡ hòa cho Tây Đức và “kẻ dội bom” Gerd Muller chính thức đặt dấu chấm hết cho Hà Lan, ấn định tỉ số 2-1.
Thế hệ vàng của bóng đá Hà Lan tiếp tục vào được đến trận chung kết năm 1978 và họ lại… tiếp tục thua. Lần này, những người “Hà Lan bay” đã bị đội tuyển Argentina kéo trở lại mặt đất.
Hà Lan và Argentina hòa 1-1 trong 90 phút thi đấu chính thức. Bước vào hiệp phụ, Argentina ghi liên tiếp hai bàn thắng để lên ngôi vô địch.
Người hùng Mario KempesThời điểm đó Kempes không chỉ là tiền đạo ngôi sao, còn là người duy nhất chơi bóng ở nước ngoài (khoác áo Valencia, Tây Ban Nha).
Trước đó, vào năm 1976, để theo đuổi giấc mơ vô địch, một quyết định được ban hành: mọi cầu thủ dưới 28 tuổi không được ra nước ngoài nếu không có sự cho phép của HLV trưởng Menotti. Vì vậy, Kempes được coi là vị cứu tinh, người sẽ dẫn đường đưa La Albiceleste tới đỉnh thế giới.
Kempes liên tiếp lập 2 cú đúp giúp Argentina đi vào trận chung kết. Với 39 bàn sau 48 trận cho Valencia ở mùa đó, tiền đạo 24 tuổi là niềm hi vọng lớn nhất của chủ nhà. Và anh không làm các CĐV thất vọng khi tiếp tục có cú đúp thứ 3, lần này ở chung kết, giúp Argentina đánh bại Hà Lan 3-1 để giành Cup vàng thế giới đầu tiên.
Sau trận chung kết, các CĐV hát vang: "Kempes, Kempes, anh sinh ra để dội bom, anh sinh ra để mang vinh quang về cho đất nước".
Nhưng đó là đỉnh cao nhất của Kempes trong màu áo ĐTQG. Sau World Cup 1978, ông không bao giờ ghi được thêm bàn nào cho Argentina nữa và bắt đầu quá trình xuống dốc không phanh ở tuổi 26. Dù sao, tượng đài Kempes cũng là bất tử khi ông trở thành người thứ 2, sau Garrincha, đoạt cả 3 danh hiệu lớn nhất của 1 kì World Cup.
Một điều đáng tiếc là cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ lúc ấy, Diego Maradona, đã bị HLV Menotti gạt tên khỏi đội hình ngay trước thềm World Cup. Diego còn phải chờ thêm 4 năm nữa để bắt đầu ghi dấu ấn của mình, trước tiên là một tấm thẻ đỏ sau cú đá thẳng vào người đối phương. Nhưng đó là chuyện ở Espana 1982.