Vì sao Đức, Italia đá hỏng 7 quả sút luân lưu 11m?

Google News

Loạt luân lưu trong trận tứ kết Euro 2016 giữa Đức và Italia chứng kiến tới 7 cầu thủ thất bại sau 9 lượt đá. 

Euro 2016, Đội tuyển Đức đã thắng trong loạt đấu súng với người Italia, tuy nhiên chất lượng trong những cú sút của họ lại tương đối thất vọng. Vậy lý do vì sao Mesut Oezil, Thomas Mueller, Bastian Schweinsteiger và 4 người đồng nghiệp phía bên kia chiến tuyến lại đá hỏng từ cự ly 11m? Cây viết Ben Lyttleton của Eurosports đã phân tích một vài khía cạnh.
Vi sao Duc Italia da hong 7 qua sut luan luu 11m
Đội tuyển Đức chiến thắng vì mắc ít sai lầm hơn Italia trong loạt luân lưu. 
Tung đồng xu
Theo một số nguồn tin, đội trưởng đội tuyển Đức là Bastian Schweinsteiger là người thắng trong lượt tung đồng xu và đã chọn đá sau. Thống kê chỉ ra rằng những đội sút trước có khả năng giành chiến thắng cao hơn, tuy nhiên có lẽ Schweinsteiger muốn là người thực hiện cú sút cuối cùng.
Chúng ta biết rằng tâm lý có tác động quan trọng ở loạt đấu súng và qua từng lượt sút, áp lực dành cho người sút sau tăng dần lên. Jakub Blaszczykowski của Ba Lan là người hiểu rõ nhất điều này khi anh đá hỏng ở trận gặp Bồ Đào Nha.
Chọn cầu thủ
Đây luôn là một quyết định khó khăn đối với các HLV. Người Đức đã không còn tự tin khi bước vào loạt luân lưu như trong quá khứ nữa. Thomas Mueller chỉ ghi được 7 bàn từ chấm 11m ở mùa giải vừa qua và cũng thất bại trong lần gần nhất – quả penalty cực kỳ quan trọng trong trận bán kết lượt về Champions League với Atletico Madrid.
Mesut Oezil chỉ thành công duy nhất 1 trong 4 lần được giao trọng trách ở cấp CLB và cũng đá hỏng ở trận gặp Slovakia trước đó. Schweinsteiger cũng thực hiện không tốt một cú đá phạt đền ở vòng loại Euro.
Ở phía bên kia, HLV Antonio Conte cũng gặp vấn đề tương tự. Chuyên gia sút phạt đền của Italia là Antonio Candreva (ghi 18 bàn trong 22 lần sút) không thi đấu còn Eder (tỉ lệ 10/10 cho Sampdoria) đã bị thay ra. Graziano Pelle là cầu thủ duy nhất trên sân của Azzurri từng thực hiện nhiều hơn 3 quả penalty trong sự nghiệp, không tính loạt sút luân lưu.
Thậm chí pha lập công trên chấm 11m ở phút 78 của Leonardo Bonucci cũng là lần đầu tiên anh sút phạt đền trong thời gian của 2 hiệp đấu.
Thay người
Bước vào hiệp phụ thứ hai, bất cứ một HLV nào cũng phải nghĩ tới khả năng phải đá luân lưu. Việc Italia tung Lorenzo Insigne và Simone Zaza vào sân cũng không nằm ngoài toan tính đó.
Tuy nhiên khác với người đồng đội, Zaza chỉ xuất hiện ở những giây cuối cùng và không có đóng góp nào cho trận đấu cả. Đó có thể là một trong những yếu tố tác động đến cú đá tệ hại của tiền đạo này ở lượt sút thứ 2.
Trong một cuốn sách được có tên là “Nghệ thuật và tâm lý học trong một cú penalty hoàn hảo”, tiền đạo Rickie Lambert đã chia sẻ rằng: “Sẽ tốt hơn nếu cầu thủ được tham gia vào trận đấu trước. Bạn cần phải chạm bóng nhiều lần để có sự tự tin và cảm giác bóng cũng như cảm nhận được mặt cỏ. Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng điều đó rất quan trọng.”
Đức đá hỏng
Với trình độ của hai đội, chất lượng của loạt luân lưu khiến cho người ta phải bất ngờ. Lý do chính không gì khác là áp lực. Không phải ngẫu nhiên khi 3 cầu thủ đá hỏng của đội tuyển Đức – Mueller, Oezil và Schweinsteiger – là những ngôi sao lớn nhất của họ.
Tiến sĩ tâm lý học người Na Uy Geir Jordet đã nghiên cứ 37 loạt sút luân lưu trong lịch sử World Cup, Euro và Champions League. Có 298 cầu thủ khác nhau thực hiện 36 cú sút và họ được chia làm 3 nhóm: cầu thủ hiện tại (current-status), cầu thủ tương lai (future-status) và cầu thủ vô danh (no-status).
Nhóm thứ nhất là những cầu thủ đã được chứng nhận bằng danh hiệu: nằm trong danh sách đề cử Quả bóng vàng, cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ, chiếc giày vàng World Cup hay thuộc đội hình tiêu biểu của UEFA. 41 cầu thủ với 67 cú đá được xếp vào danh sách này. Future-status là những người chưa đạt được những thành tích kể trên ở thời điểm sút luân lưu nhưng có tiềm năng làm được điều đó.
Một cách tổng quát, 74% số cú sút luân lưu được thực hiện thành công, nhưng những “cầu thủ hiện tại” chỉ đạt tỉ lệ 59%. Nhóm “cầu thủ tương lai” đạt 89% trong khi “cầu thủ vô danh” cũng là 74%. Những cầu thủ được xếp vào nhóm hàng đầu cũng đá trượt khung thành với tỉ lệ lớn hơn hẳn – 13% (so với 7% và 5% của 2 nhóm còn lại). Ý nghĩa của thống kê này rất đơn giản. Những ngôi sao lớn chịu nhiều áp lực hơn.
Italia đá hỏng
Để giải thích cho những cú đá thất bại của người Ý thì cần phải nhắc tới các thủ môn trước. Cả Gianluigi Buffon và Manuel Neuer đều là những người có tỉ lệ cản phá phạt đền rất cao.
Theo thống kê của STATS.com, Neuer chỉ thủng lưới 14/22 quả penalty (tỉ lệ 63%), còn Buffon là 13/20 (65%), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các thủ môn là 78%. Chính điều này khiến cho những cầu thủ đối mặt với họ phải toan tính nhiều hơn về cách đánh bại một thủ môn hàng đầu thế giới.
Điều đó giải thích cho những bước chạy đà của Zaza hay động tác đánh lừa có phần thừa thãi của Pelle. Có lẽ nếu đứng trong khung thành là một thủ môn ít tên tuổi hơn Neuer, có lẽ họ đã không phải làm những điều đó. Một điểm đáng chú ý khác trong cú sút của Zaza là ban đầu anh không định thực hiện nó bằng chân trái. Việc anh đổi góc lấy đà cũng có thể là lý do khiến Neuer bị đánh lừa.
Trường hợp của Pelle thì kỳ cục hơn. Anh đã ra hiệu cho Neuer về một cú panenka rồi sau đó lại đá về hướng cột dọc bên trái của mình (và đưa bóng ra ngoài). Có lẽ Pelle sẽ thành công nếu sút vào giữa khung thành như lời cảnh báo, bởi cả Barzaghli, Giaccherini và Parolo đều đã đưa được bóng vào lưới ở vị trí như vậy.
Cuối cùng, nếu loạt sút luân lưu trong trận tứ kết thứ 3 của Euro 2016 nói lên điều gì thì đó chắc hẳn sẽ là việc người Đức không phải là bất khả chiến bại trong loạt đấu súng. Thế hệ hiện tại của Die Mannschaft không còn là những chuyên gia sút luân lưu như những bậc tiền bối của họ trong quá khứ.
>>> Mời quý độc giả xem video về Xuân Trường (nguồn Youtube):
Theo VTC News

Bình luận(0)