Nhờ bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo đổi đời, thu lớn cả về danh tiếng lẫn tiền bạc. Và ông cũng hiểu nếu đến bến đỗ mới ở thời điểm hiện tại là một canh bạc chưa biết thắng hay thua. Chính vì vậy, trong thời gian qua HLV Park Hang-seo liên tục khẳng định “muốn gắn bó với Việt Nam” để mở cửa đàm phán cho VFF.
Dù có đàm phán hạ mức lương trả thầy Park xuống thấp nhất, VFF không có đủ tiền để thanh toán
Khó khăn trong việc níu giữ HLV Park Hang-seo lúc này chỉ còn nằm ở câu chuyện tiền bạc. Như người đại diện Lee Dong-jun đã nói thẳng: “HLV Park Hang-seo đã giúp Việt Nam gặt hái rất nhiều thành công trong thời gian qua nên khi ký hợp đồng mới, đương nhiên các chế độ đãi ngộ, trong đó có lương phải tăng”. VFF đang nỗ lực đàm phán để có để “kéo giá” xuống khoảng 40.000 USD mỗi tháng, gấp đôi con số hiện tại mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đang được hưởng.
|
HLV Park Hang-seo liên tục khẳng định “muốn gắn bó với Việt Nam” để mở cửa đàm phán cho VFF. |
Vấn đề là dù có đàm phán được xuống mức 40.000 USD mỗi tháng, VFF cũng không có đủ tiền để thanh toán nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trong suốt hai năm qua, tiền lương của HLV Park Hang-seo do bầu Đức trả và ông chủ của HAGL đã sớm tuyên bố không tiếp tục làm điều này trong thời gian tới. Ngoài khoản tiền mất cho HLV Park Hang-seo, VFF cũng mất số tương tự để trả cho các trợ lý người Hàn Quốc như Lee Young-jin, Kim Han-yoon, Park Sung-gyun...Con số nhẹ nhất cũng là triệu USD mỗi năm.
Bóng đá Việt Nam lên hương hai năm qua nhưng khoản thu mà VFF kiếm được cũng không phất như nhiều người lầm tưởng. Nguyên nhân là do họ đã bán bản quyền hình ảnh các đội tuyển cho Dentsu. VFF sớm bán và nhận trọn gói khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.
Khi bóng đá Việt Nam thăng hoa trong hai năm dưới thời HLV Park Hang-seo, các nhà tài trợ đua nhau nhảy vào, và tiền chủ yếu lọt vào túi Dentsu. VFF chỉ được hưởng thêm một chút phần trăm so với khoản cứng mà họ đã nhận. Thậm chí khi nhận tiền thưởng của các doanh nghiệp, VFF cũng phải khéo léo tránh dùng hình ảnh đội tuyển vì e ngại vi phạm hợp đồng.
Tiền thưởng cho các đội tuyển thời gian qua rất lớn. Tuy nhiên, do e ngại mang tiếng, VFF không được giữ lại đồng nào để “tái đầu tư” mà phải chia toàn bộ cho các đội tuyển. Thậm chí để lấy tiền thưởng cho đội, VFF còn cắt dần tiền thưởng của nhân viên.
Khóa VII VFF (2014-2018) thu về 341 tỷ đồng nhưng tính chung vẫn âm. Thế nên khi bầu Đức rút lui, Liên đoàn phải gánh trọn khoản lương thưởng cho HLV Park Hang-seo và các cộng sự thì họ hoàn toàn không đủ nội lực để thanh toán.
VFF dùng phương án nào để xoay tiền trả lương thầy Park?
Theo tìm hiểu của Kiến thức, VFF đang phải tìm kiếm giải pháp “từ bên ngoài” để có đủ tiền giữ chân HLV Park Hang-seo. Thứ nhất, họ nhờ Tổng cục TDTT hỗ trợ, với con số là 10.000 USD mỗi tháng. Tin mừng là Tổng cục TDTT đã sớm gật đầu.
Trong quá khứ, Tổng cục TDTT luôn hỗ trợ số trên mỗi khi VFF thuê thầy ngoại. Chỉ giai đoạn 2018-2019 họ không làm điều này do bầu Đức chi trả toàn bộ tiền lương cho HLV Park Hang-seo.
Thứ hai, VFF nhờ các ban ngành nhà nước có lời để các doanh nghiệp hỗ trợ kinh tế. Tin vui là hiện tại rất nhiều đối tác sẵn sàng “mở hầu bao” bởi HLV Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam gặt hái được quá nhiều thành công trong thời gian qua, truyền cảm hứng cho người Việt Nam không chỉ trong bóng đá mà còn ở các lĩnh vực khác. Rất nhiều lãnh đạo nhà nước, doanh nhân Việt Nam cũng như Hàn Quốc có thiện cảm đặc biệt với nhà cầm quân năm nay 60 tuổi.
Thứ ba, VFF dự kiến xin hỗ trợ chế độ đặc biệt về thuế trong việc trả lương cho HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự. Nếu được, điều này sẽ giúp VFF tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Các phương án VFF đưa ra đều khá khả quan. Chính vì vậy Chủ tịch Lê Khánh Hải tự tin khẳng định VFF không quá khó khăn trong vấn đề kinh tế để giữ chân HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khi việc kiếm tiền để gia hạn hợp đồng đang nóng bỏng thì PCT phụ trách tài chính của VFF là ông Cấn Văn Nghĩa lại vừa từ chức sáng nay (25/6).