Chỉ cần lướt TikTok vài phút, người dùng sẽ bắt gặp nhiều video ngắn, tóm tắt nội dung chính và sử dụng hình ảnh trong một bộ phim bất kỳ thu hút hàng triệu lượt xem. Đây là một trào lưu mới nổi trên TikTok, bắt nguồn từ những người Trung Quốc.
Trong đó, người dùng sẽ cắt ghép hình ảnh trong phim, lướt qua những tình tiết chính cùng lời thuyết minh của giọng AI và tiêu đề giật gân nhằm thu hút người xem.
Giật tiêu đề, câu view
Video có tựa đề “High IQ woman revenge for cheating husband” (tạm dịch: Người phụ nữ IQ cao trả thù người chồng ngoại tình) đã tóm tắt nội dung phim “Gone Girl” dài 2,5 giờ chỉ trong 7 phút.
Hay như đoạn video cắt ghép từ phim “The Danish Girl” đã sử dụng tiêu đề “The wife let the husband dress up as a woman, and he is addicted to it" (tạm dịch: Người vợ bắt chồng giả gái, sau đó anh ta nghiện luôn) để kích thích khán giả.
Do đó, trào lưu phim cực ngắn đã thu hút rất nhiều khán giả vì họ chỉ mất vài phút để hiểu toàn bộ nội dung của một bộ phim dài hàng giờ đồng hồ phát tại rạp, giúp họ tiết kiệm thời gian.
|
Những video review phim có tựa đề giật gân thường thu hút nhiều người xem hơn.
|
Theo Rest of World, các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc đã sử dụng các ứng dụng dịch thuật, phần mềm lồng tiếng và app VPN để tóm tắt những bộ phim từ tiếng Anh, Tây Ban Nha hay Indonesia để review nhanh phim cho khán giả.
Mặc dù bản dịch vẫn còn nhiều lỗi và giọng thuyết minh thiếu tự nhiên, các video này vẫn dễ dàng thu hút hàng nghìn đến hàng triệu lượt xem, mang lại nguồn thu khổng lồ cho người chủ sở hữu. Đơn cử như video tóm tắt phim “The Danish Girl” hiện có đến 4 triệu lượt xem.
Trào lưu review phim nhanh đã xuất hiện trên các nền tảng Trung Quốc từ lâu như Douyin (TikTok bản Trung Quốc), Kuaishou hay Bilibili. Nhưng hiện nay, khi thị trường video nội địa ngày càng chật chội, các nhà sản xuất nội dung bắt đầu bành trướng sang TikTok, nền tảng đang bị cấm ở quốc gia tỷ dân.
Các video review phim cực ngắn đã thu về lượng lớn người xem có sở thích xem phim nhanh - gọn - lẹ. Có những người còn hỏi tên phim ở dưới phần bình luận vì muốn xem cả bộ phim. Thậm chí, những lỗi dịch thuật còn trở thành trò đùa trên các diễn đàn.
Xâm hại bản quyền phim để trục lợi
Chia sẻ với Rest of World, Wilson, một nhà làm video review phim ở tỉnh Giang Tây, cho biết anh kiếm được khoảng 1.400 USD/tháng với 10 tài khoản TikTok khác nhau do anh quản lý.
Công việc thường ngày của anh là tải phim từ các trang web nội địa như Douyin, tóm tắt nội dung chính bằng tiếng Trung và dùng các phần mềm dịch như DeepL để chuyển sang tiếng Anh. Sau đó, Wilson tạo phần thuyết minh bằng app lồng tiếng Moyin và cuối cùng là ghép mọi thứ trên Adobe Premiere, chỉnh sửa sao cho không bị TikTok đánh bản quyền.
|
Chỉ cần cắt ghép và tóm tắt nội dung phim, nhiều người đã kiếm được hàng nghìn USD từ TikTok. Ảnh: Getty Images.
|
Một nhà sáng tạo nội dung TikTok khác có tên Bi cũng cho biết anh kiếm được hơn 342 USD cho mỗi video review phim. Người này hiện sở hữu 2 tài khoản TikTok được tạo ra nhờ giả lập VPN.
Các video nổi tiếng của anh thường là những đoạn review phim như “Heo Peppa”, “Cừu vui vẻ và Sói xám”... “Với TikTok, khán giả của bạn có thể đến từ mọi nơi trên thế giới. Chỉ cần làm video và đăng, chắc chắn sẽ có người xem”, anh chia sẻ.
Ở Trung Quốc, những video review phim tràn lan như thế này đã gây ra không ít vấn đề liên quan đến bản quyền. Theo Sina, hệ lụy của trào lưu là hàng loạt sản phẩm nghệ thuật bị xâm phạm bản quyền và trục lợi trái phép. Do đó, năm 2021, các website phát video như iQiyi, Tencent và Youku đã nhiều lần phản đối các ứng dụng như Douyin.
Tencent còn kiện Douyin và đòi bồi thường hàng triệu USD vì vi phạm bản quyền. Tháng 12/2021, China Netcasting Services Association (CNSA) cũng yêu cầu các nền tảng chia sẻ video ngắn cấm những đoạn clip chứa các đoạn trích trái phép từ phim ảnh.
Không chỉ vậy, trào lưu xem phim "mỳ ăn liền" còn tạo ra thói quen không tốt khi thưởng thức nghệ thuật. Khán giả hình thành tâm lý "xem chùa", không cần đến rạp hoặc trả tiền bản quyền vẫn có thể xem được tác phẩm vừa ra mắt trên thị trường.
Giám chế Cao Hiểu Hổ đánh giá trào lưu này làm méo mó nội dung, khiến sản phẩm phim ảnh đánh mất giá trị cảm xúc khi lời thoại, biểu cảm và chi tiết cốt truyện bị bỏ qua. "Trừ lồng tiếng, tất cả hành vi chỉnh sửa hay bình luận theo góc nhìn cá nhân của các nhà sáng tạo nội dung đều là hành vi bóp méo sản phẩm", Thường Bình, Trưởng khoa Văn hóa Đại học Bắc Kinh chia sẻ.
Nhưng những lệnh cấm này vẫn không thể ngăn người dùng đăng tải những video tương tự. Họ thường review phim Hàn, Thái, Mỹ vì sẽ khó bị đánh bản quyền ở Trung Quốc.