Những cô gái chỉ ở nhà, sống bằng tiền của người yêu

Google News

Nội dung “stay-at-home girlfriend" (tạm dịch: bạn gái ở nhà) trên TikTok luôn được hàng triệu lượt xem nhưng cũng thu hút không ít ý kiến chỉ trích vì chống lại nữ quyền.

Nhung co gai chi o nha, song bang tien cua nguoi yeu

Những video Kendel Kay khoe về cuộc sống của mình luôn bị dân mạng chỉ trích.

Giống như các KOL về lối sống khác, Kendel Kay (sống ở Puerto Rico) cũng thường chia sẻ thói quen buổi sáng, khoảnh khắc đời thường của mình trên TikTok.

Nội dung của Kay tương tự với nhiều video theo dạng “một ngày của tôi”, trong đó nổi bật với các hoạt động pha nước trái cây, quy trình chăm sóc da 20 phút, thay quần áo, đi tập thể dục với bạn trai.

Trong phần chú thích, Kay tự mô tả mình là một "cô bạn gái 25 tuổi ở nhà". Người yêu của cô không hay xuất hiện trong các đoạn clip, chỉ có giọng nói nhờ bạn gái pha cà phê hay cốc sinh tố.

Kay nói rằng “nửa kia” của cô là Luke Lintz, người sáng lập một công ty PR trị giá hàng triệu USD, theo International Business Times.

Cả hai gặp nhau trong một chuyến du lịch. Sau khi hẹn hò, họ thường tận hưởng những kỳ nghỉ xa hoa bằng máy bay riêng. Kay không ngại chia sẻ những bức ảnh cô diện đồ hiệu sang trọng với túi xách Louis Vuitton và Dior có giá lên đến hơn 1.000 USD mỗi chiếc.

Nhung co gai chi o nha, song bang tien cua nguoi yeu-Hinh-2

Nhung co gai chi o nha, song bang tien cua nguoi yeu-Hinh-3

Nhiều người dùng tham gia xu hướng "bạn gái ở nhà" và đăng video về việc được bạn trai nuông chiều lên mạng. Ảnh: New York Post.

Phụ thuộc tài chính

Các video của Kay nhanh chóng phổ biến trên mạng với 8,6 triệu lượt xem. Tuy nhiên, bình luận bên dưới bài đăng lại rất tiêu cực, chỉ trích cô gái 25 tuổi là "một kẻ thất nghiệp, ở nhà làm mọi thứ cho Luke", "nhàm chán", "nhàn rỗi".

Nhiều người thắc mắc vì sao bạn trai của cô không thể tự làm những việc đơn giản như pha cà phê cho mình.

Kay là một trong số rất nhiều cô gái trên TikTok đăng tải về nội dung “stay-at-home girlfriend" (tạm dịch: bạn gái ở nhà) trong năm qua. Thuật ngữ mới nổi này được hiểu là mô tả người phụ nữ không đi làm và sống dựa vào thu nhập của bạn đời.

Các hashtag #stayathomegirlfriend thu hút hơn 109 triệu lượt xem và tạo ra nhiều luồng tranh cãi trái chiều.

Một số người cho rằng khái niệm này củng cố vai trò truyền thống của giới. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung khác lại nghĩ rằng những lời chỉ trích về lối sống dựa trên định kiến là sai lầm. Đồng thời phản biện video của họ nhằm mục đích chống lại kỳ vọng của phụ nữ chứ không phải củng cố chúng.

Theo Insider, xu hướng này đã nêu bật sự thay đổi trong cách nhìn nhận của các cô gái trẻ về nữ quyền ngày nay.

Nhung co gai chi o nha, song bang tien cua nguoi yeu-Hinh-4

Nhiều người cho rằng lối sống này dễ khiến nữ giới bị tổn thương. Ảnh: Healthline.

"Tôi nghĩ mọi người có cái nhìn phiến diện về cuộc sống hàng ngày của tôi. Họ nghĩ rằng tôi thực sự chỉ làm những điều vô nghĩa cả ngày", Kay nói với Insider.

Nhiều tài khoản khác đã đăng video song song với Kay để chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt của cô là do bạn trai tài trợ và tiếp tục chỉ trích lối sống này. Một số khác thì ám chỉ sự xa hoa, đặc quyền của Kay là phù phiếm so với họ.

Không ít dân mạng cho hay phụ nữ không nên dựa vào thu nhập của đối phương vì điều đó dễ dẫn đến bất ổn tài chính nếu cả hai chia tay.

Thậm chí, một luật sư ly hôn còn nhận xét lối sống này khiến phái đẹp dễ bị tổn thương vì họ sẽ không có kinh nghiệm làm việc hoặc sự nghiệp khi họ và người kia “đường ai nấy đi”.

Đối mặt với những lời phán xét, KOL 25 tuổi cho biết công việc của cô liên quan đến việc sản xuất nội dung trên YouTube, Instagram, TikTok, điều này cần nhiều thời gian và công sức.

Bị chỉ trích vì dựa dẫm bạn trai

Zoë Rae (29 tuổi) đang ở cùng bạn trai ở Johannesburg, Nam Phi. Rae chia sẻ thường xuyên nhận được những bình luận hỏi cô làm gì cả ngày. Rae cho rằng câu hỏi này quá định kiến và cổ hủ về ý nghĩa thực sự của việc ở nhà.

Rae hiện điều hành một công ty tổ chức sự kiện nhỏ. Nhưng cô không đến văn phòng mà làm việc, trả lời email tại nhà, đồng thời chăm sóc gia đình.

“Suy nghĩ của mọi người không rõ ràng. Họ cho rằng phụ nữ chỉ sống dựa vào đàn ông hoặc làm vài việc lặt vặt. Dù hoạt động ở nhà, tôi vẫn có công việc kinh doanh của riêng mình”, cô nói.

Theo Kay, cái mác "stay-at-home girlfriend" có thể phản ánh việc người xem đang nghĩ những cô gái như vậy không kiếm được đồng nào, giống như cách họ nói về "bà mẹ toàn thời gian" hoặc "nội trợ”.

Tuy nhiên, Kay cho rằng cô chỉ đang chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống tiền hôn nhân, khi chưa có con cái và được tập trung chăm sóc “nửa kia”. Bên cạnh đó, cô vẫn có thời gian để theo đuổi việc sáng tạo nội dung.

Cả Kay và Rae đều nói rằng họ duy trì khả năng độc lập về tài chính bằng cách làm việc từ xa, tham gia các dự án kinh doanh. Mặc dù số tiền không đủ lớn, họ vẫn có một khoản để phòng trường hợp khẩn cấp.

Phần lớn những lời chỉ trích dành cho nội dung “stay-at-home girlfriend" đã gắn mác lối sống phản nữ quyền. Nó được so sánh với #TradWife, phong trào lý tưởng hóa khái niệm "bà nội trợ thập niên 1950" và nhận được phản ứng dữ dội.

Nhung co gai chi o nha, song bang tien cua nguoi yeu-Hinh-5

Việc khoe khoang sự xa hoa trong những video liên quan đến xu hướng này luôn nhận được chỉ trích. Ảnh: Wired.

Thế nhưng, những “bạn gái ở nhà” thì lại không nghĩ như vậy. Kay cho biết cuộc sống hiện tại không hề hạn chế hay đặt sức ép lên khả năng tài chính của cô. Trái lại, cô có thể thoải mái làm việc linh hoạt, đồng thời thu xếp thời gian chăm sóc bạn trai.

Ngoài ra, cách này còn đại diện cho một phong trào xã hội thoát khỏi việc thần tượng hóa "girlbossing".

Theo Insider, thuật ngữ "girlboss" được phổ biến vào năm 2014, dùng để chỉ nữ giới độc lập, thành công trong sự nghiệp nhưng vẫn biết tận hưởng sở thích, đam mê cá nhân.

Vào năm 2020, xu hướng này chìm trong các cuộc tranh cãi khi nhiều người nghĩ nó ám chỉ phụ nữ da trắng trong khi loại trừ những người có nguồn gốc thiểu số.

“Nữ giới bị cuốn vào văn hóa hối hả quá nhiều. Tôi muốn thúc đẩy ý tưởng không cần phải có một công việc truyền thống mà vẫn duy trì quyền tự chủ. Cần phải có sự thay đổi trong cách lựa chọn và suy nghĩ”, Kay nói thêm.

 

Theo Thảo Ngân/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)