Có lẽ ngày xưa chẳng có nhiều đồ ăn vặt, nên vị ngọt lịm cùng vẻ ngoài đáng yêu của những que kẹo bông gòn luôn là niềm vui của những đứa trẻ. Một chút đường cho vào máy quay và đợi trong ít phút là bạn sẽ có ngay 1 chiếc kẹo bông mịn màng tan chảy.
Cứ mỗi lần xe kẹo dừng trước hẻm là đám con nít lại tụm lại mà thích thú reo hò nhìn những sợi bông gòn từ từ phình lên kết lại thành một que kẹo mềm mại như đám mây.
Vị ngọt ngào, tan chảy ngay khi cho vào miệng của những đám mây đầy màu sắc này đã từng là món quà vặt quý giá của trẻ em ngày xưa. Hiện nay, không phải hiếm lắm nhưng cũng khá khó khăn mới tìm ra được một chiếc xe với những chiếc kẹo bông đáng yêu này. Nhớ hồi nhỏ, chiều nào cũng mỗi đứa một que kẹo, mỗi đứa một màu mà tụm lại ăn, vui phải biết.
Ngày xưa, có cô cậu nào tan trường mà không nán lại chiếc xe kẹo chỉ mà thích thú nhìn đôi tay thoăn thoắt của người bán quấn từng phần kẹo. Hình ảnh chiếc xe đơn sơ với hộp gỗ vắt vẻo sau lưng đặt đôi ba dụng cụ để làm kẹo đã trở thành một kỉ niệm của tuổi học trò cho thế 8x, 9x đời đầu. Nhưng ngày nay, kẹo chỉ lại trở nên lạc hậu so với những món kẹo Hàn, kẹo Mỹ và thậm chí có những bạn còn lấy làm lạ khi nghe đến cái tên này.
Với món kẹo chỉ “thần thánh”, đường sẽ được nấu đến dẻo quạnh thành những viên kẹo tròn tròn xinh xinh. Sau đó, người bán sẽ dùng tay kéo nhẹ từng viên kẹo đường này, lăn vài vòng cùng bột năng. Chỉ sau vài lần kéo và trộn bột, những sợi chỉ bắt đầu được tạo ra, mỏng manh và dai. Đặt lớp chỉ ngọt ngào kẹp giữa hai lớp bánh tráng ngọt giòn, rắc thêm đậu phộng, dừa nạo,.. để tiếp thêm vị bùi béo, cuối cùng là điểm tô thêm bằng chút vị ngọt lịm của sữa đặc sánh mịn.
Một chiếc bánh tráng kẹp kẹo chỉ đơn giản là vậy nhưng lại có “ma lực” khủng khiếp với lứa học sinh 8x, 9x đời đầu, đến nỗi ai cũng phải chép miệng thòm thèm mỗi khi nghĩ lại. Theo năm tháng, những chiếc xe kẹo chỉ dần dần lui về quá khứ nhưng hương vị đơn sơ, giản dị của món này vẫn luôn là một phần tuổi thơ của bất kì đứa trẻ nào.
Nếu như kẹo chỉ mềm, mỏng trong lớp bánh tráng thì kẹo kéo lại là một thanh kẹo cứng có lớp đậu phộng nhồi bên trong. Xe kẹo kéo nào cũng có một khối kẹo khổng lồ phía sau, được làm từ đường nấu chảy rồi đổ thành khối. Khi có ai gọi, người bán sẽ kéo ra thành một thanh dài khoảng 20cm, cứng cáp và trắng tinh.
Thanh kẹo kéo ngọt lịm, sẽ tan chảy khi đưa vào miệng hòa cùng cái béo của những hạt đậu phộng rang giòn giòn. Nhớ hồi nhỏ, có đứa do tham ăn quá nên cắn lấy cắn để mà đến ê cả răng. Hiện nay, thi thoảng vẫn còn xuất hiện những thanh kẹo kéo được đóng gói kĩ càng và chào mời ở các quán ăn, quá nhậu. Nhưng cái hồn nhiên của tuổi thơ khi mỗi lần trông ngóng chú bán kẹo sẽ kéo cho mình thanh dài hơn con bạn lại không còn nữa, cái vị ngọt ngào giản dị cũng đã thay bằng cái vị khác lạ hơn xưa, không còn nguyên bản. Và cả câu mời gọi “Ai kẹo kéo hông?”, tiếng rao làm mọi đứa trẻ không thể nào ngồi yên cũng đã dần ngớt tiếng vang…
Ngày nay có nhiều kiểu biến thể của bánh bông lan, nào là bông lan phô mai, bông lan trứng muối,… Những hương vị mới lạ ấy vô tình làm nhạt đi mùi vị của những ổ bông lan bơ sữa hồi trước vẫn được chào đón.
Bánh bông lan nướng kiểu truyền thống được đổ trong một chiếc khuôn tròn đầy ụ. Bánh không có nhân nhưng vẫn hấp dẫn và thơm phức mùi bơ. Vì công thức làm bánh khá đơn giản, không cầu kì nên những ổ bánh vàng ươm chọn cho mình cách lôi kéo khách hàng bằng chính vẻ ngoài tròn trịa mà hương thơm lại “nức mũi”.
Thường thì người bán sẽ có một chiếc tủ hay khay bánh phía sau xe, chạy khắp vòng phố với tiếng rao quen thuộc “Bánh bông lan nướng đây”. Hương vị không có gì đặc trưng nhưng lại ngọt ngào và thơm phức mùi bơ, bánh bông lan đã là món ăn vặt yêu thích của trẻ con thời đó.
Bánh mì kem, cái tên nghe thì lạ tai nhưng lại là món ăn được ưa chuộng vào những ngày hè của thế hệ 8x, 9x. Và hiện nay, phải chịu tìm tòi lắm mới có một nơi bán món ăn độc - lạ này.
Bánh mì kem - đơn giản là bánh mì mềm, kẹp từ hai đến ba muỗng kem tròn, rắc thêm mứt trái cây, đậu phộng rang. Bao nhiêu thôi là cũng đủ làm mát cổ họng cho những ngày hè oi ả rồi. Vị kem có thể thay đổi theo ngày, hôm nay thì dừa, cà phê, hôm thì sầu riêng, đậu xanh,… có hôm có đến bảy màu tha hồ mà lựa chọn.
Bánh mì kem thường bán ở những xe kem dạo. Chiếc xe đạp gỗ với cái chuông đồng thật to, chạy đến đâu chuông vang lên làm rộn ràng trong lòng mỗi đứa trẻ. Chiếc muỗng nạo tròn quấn lấy từng lớp kem tan chảy tạo thành những viên kem ú nụ, sau đó lại được đặt gọn ghẽ trong chiếc bánh mì mềm thơm. Bánh mì kẹp kem đã gắn bó với những ngày hè tuổi thơ, có thể làm bữa ăn nhẹ nhàng cho lũ trẻ sau khi đã mải chơi cút bắt, trốn tìm,…
Cùng với sự xuất hiện của những món ăn vặt ngoại nhập, nào là trà sữa, bingsu, bánh kẹo lạ mắt lạ vị,… những món ăn dường như là một phần kỉ niệm tuổi thơ của những thế hệ trước dần dần lui vào dĩ vãng. Tiếng rao, tiếng chuông leng keng dần bị thay thế bởi âm thanh hiện đại, mới mẻ hơn. Bây giờ, phải tìm đỏ mắt mới có được một que kẹo bông hay một phần kẹo chỉ mà nhâm nhi, để sống lại thời tuổi thơ mộc mạc và giản dị. Nhưng chắc hẳn tận sâu trong tiềm thức của thế hệ 8x 9x cũ, những món ăn này giống như một phần kí ức không thể bị tước đi, cho dù thời gian có bào mòn bao nhiêu giá trị đi nữa…