Tối 20/10, hơn 150 triệu người - tức là hơn 1/10 dân số Trung Quốc - đã theo dõi ứng dụng mua sắm Taobao Live để xem livestream của Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi), người được truyền thông nước này gọi là "ông hoàng son môi".
Ngoài son môi, Lý Giai Kỳ còn bán nhiều mặt hàng khác như kem dưỡng da, quần áo, thậm chí hứa hẹn sẽ tặng túi Hermes và iPhone 12 cho khách hàng.
Sự kiện này là một phần của chương trình khuyến mãi trong Ngày Độc thân của Trung Quốc (11/11). Vượt xa cả Black Friday và Ngày Tặng quà về doanh số bán hàng, Ngày Độc thân trở thành lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới.
|
Ông hoàng son môi Trung Quốc Lý Giai Kỳ.
|
Năm ngoái, người tiêu dùng đã chi hơn 30 tỷ USD để mua sắm trong ngày 11/11.
Buổi phát trực tiếp vào tối 20/10 là một trong chuỗi các sự kiện khuyến mãi trước ngày hội mua sắm. Người chủ trì buổi livestream này, Lý Giai Kỳ (28 tuổi), là một trong những người bán hàng trực tuyến nổi tiếng nhất tại Trung Quốc.
Anh chàng này có thể bán bất cứ thứ gì và từng bán hết 15.000 cây son chỉ trong vòng 5 phút livestream.
Lý Giai Kỳ phát trực tiếp vào mỗi buổi tối trừ chủ nhật và luôn thu hút hàng chục triệu người theo dõi. Khách hàng của ông hoàng son môi thường đổ xô tìm kiếm nguồn cung sản phẩm hạn chế với giá chiết khấu.
Giám đốc nội dung của trang Goldthread, Daisy, đã xem một vài chương trình bán hàng của Lý Giai Kỳ. Người này nói rằng khách hàng rất tin tưởng Lý bởi anh thường đưa ra những nhận xét rất rõ ràng về sản phẩm.
"Anh ấy có thể nói rằng loại son này phù hợp hơn với màu da cụ thể nào. Tôi đã phải ngăn mình mua một thứ gì đó", cô nói.
|
Một meme trên mạng xã hội Weibo sau buổi phát trực tiếp kéo dài 7 giờ của Lý Giai Kỳ.
|
Lý là một trong rất nhiều người nổi tiếng kiếm sống bằng việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng Trung Quốc thông qua các chương trình phát sóng trực tiếp.
Những người này thường livestream vào ban đêm sau khi mọi người đã tan làm hay thậm chí là vào buổi tối muộn, sau nửa đêm. Họ phải nói chuyện không ngừng nghỉ để khách hàng tập trung và không đi ngủ trước khi buổi livestream kết thúc.
Ở Trung Quốc, phát trực tiếp đang trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD, thậm chí còn có những trường đào tạo nghề livestream.
Cơn sốt mua sắm trực tuyến nóng hơn trong mùa dịch Covid-19. Các cửa hàng đóng cửa buộc người dân chuyển sang mua hàng qua livestream.
Lý Giai Kỳ được cho đã nâng giá trị thương hiệu cá nhân lên tới 5 triệu USD nhờ các hoạt động phát trực tiếp và livestream bán hàng.
Nghiện xem livestream
Theo National Geographic, ngành công nghiệp livestream đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Trung Quốc trong những năm qua.
Thiếu các mối quan hệ thực tế, nhiều người ở đất nước tỷ dân giờ đây cùng ăn, cùng ngủ với những ngôi sao phát sóng trực tuyến để vơi bớt cô đơn. Nhiều người thừa nhận mình “nghiện” xem livestream mỗi ngày và cảm thấy thân thuộc với những streamer mà mình chưa một lần gặp mặt.
Nan Zhang, một đối tác tại công ty tiếp thị Metis International, từng nghiên cứu về sự phát triển của ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc từ năm 2016.
“Thế hệ trẻ cảm thấy dễ dàng để kết nối với nhau thông qua các nền tảng livestream. Trong khi đó, họ không còn tìm thấy sự đồng cảm hay tín nhiệm ở bố mẹ, anh chị em và đồng nghiệp”, Nan Zhang nói.
Nắm bắt được thị hiếu, các ứng dụng livestream bán hàng phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc trong thời gian gần đây với 309 triệu người dùng vào tháng 6, tức là khoảng một phần ba số người sử dụng Internet tại đất nước tỷ dân.
Tuy vậy, gần một nửa số người mua hàng qua các kênh này hối hận vì quyết định mua sắm của họ, theo báo cáo của Hiệp hội Dịch vụ Phát thanh Truyền hình Trung Quốc (CNSA).
Báo cáo của CNSA bao gồm các cuộc phỏng vấn với hơn 3.000 người dùng đã xem nội dung livestream trong nửa năm qua, các cuộc khảo sát của chuyên gia trong ngành và một số nghiên cứu khác.
Khoảng 15,7% người được khảo sát cho biết họ bị thuyết phục mua hàng sau khi xem các chương trình phát trực tiếp hoặc livestream bán hàng trên mạng. Hơn một nửa trong số này đã chi hơn 500 nhân dân tệ (74 USD) để mua hàng, theo báo cáo được công bố hôm 12/10.
Đi kèm với đó là hàng loạt khiếu nại của khách hàng về vấn đề hàng giả, hàng bị hư hỏng, giao hàng thiếu hoặc thiếu dịch vụ sau bán hàng. Chỉ riêng trong kỳ nghỉ Lễ Lao động vừa qua, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) đã nhận được hơn 66.000 đơn khiếu nại từ những người mua sắm trực tuyến.