Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh (SN 1987) hiện là giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trải qua nhiều vòng xét chọn với 66 hồ sơ ứng viên được đề cử từ các cơ quan, đơn vị, chị Quỳnh xuất sắc lọt vào top 10 gương mặt trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021.
- Xin chào Th.S Lê Hoàng Quỳnh, là 1 trong 10 gương mặt trẻ được vinh danh, đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021, chị có cảm xúc ra sao?
- Th.S Lê Hoàng Quỳnh: Trên con đường nghiên cứu khoa học lâu dài, giải thưởng Quả cầu vàng hay những giải thưởng uy tín khác dành cho các nhà khoa học trẻ thực sự rất có ý nghĩa. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực và kết quả nghiên cứu của năm tháng tuổi trẻ, đồng thời là sự nhắc nhở bản thân mình về những vấn đề, thử thách khoa học trong chặng đường tới.
Đối với cá nhân tôi, nhận được giải thưởng Quả cầu vàng là một niềm vinh dự lớn. Tôi hiểu đây là thông điệp về niềm tin, sự kỳ vọng của Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học Công nghệ gửi gắm trong một chặng đường mới, một khởi đầu mới trên hành trình khoa học của mình.
Mong muốn lớn nhất của tôi là các nhà khoa học trẻ sẽ tiếp tục được tin tưởng, được trao cơ hội trong thời gian sắp tới để chủ trì nhiều đề tài, dự án, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu... từ đó thể hiện tối đa năng lực của mình. Nếu các cơ quan, doanh nghiệp luôn ưu tiên đặt mua những giải pháp sẵn có của nước ngoài mà thiếu đầu tư nghiên cứu từ trong nước thì rất khó để Việt Nam có "công nghệ lõi". Ở chiều ngược lại, các nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ, cần nỗ lực và chứng minh được niềm tin của cộng đồng xã hội vào họ là xứng đáng. Nếu có được sự hiểu biết và tin tưởng này từ hai phía thì các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ có nhiều cơ hội hơn để ứng dụng, phục vụ, mang lại lợi ích thực tế.
|
Chân dung nữ thạc sĩ trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021.
|
- Chị có thể giới thiệu sơ qua về lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của mình không? Với bảng dài thành tích khoa học công nghệ, chị hài lòng nhất với thành tích nào của mình?
- Tôi hiện công tác tại phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu và Công nghệ tri thức - đây là nơi tôi đã gắn bó rất nhiều năm và hầu hết các nghiên cứu của tôi đều được thực hiện cùng các thầy cô, anh chị em trong nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Lĩnh vực mà tôi đang theo đuổi là khoa học dữ liệu, với hai hướng nghiên cứu chính: Thứ nhất là khai phá văn bản, bao gồm các nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt, khai phá văn bản y sinh học với các ứng dụng trong y tế cộng đồng, phát triển dược, chăm sóc sức khỏe. Thứ hai là các nghiên cứu ứng dụng để hỗ trợ kinh doanh, quảng cáo trực tuyến, viễn thông...
Rất khó để nói bản thân hài lòng nhất với thành tích nào, nhưng có lẽ sẽ dễ hơn khi tôi chia sẻ một thành tích là cột mốc đánh dấu sự thay đổi về hướng đi trên con đường nghiên cứu.
Vào năm 2013, lần đầu tiên tôi có một công bố trên tạp chí ISI Q1 danh giá (tạp chí PLoS One), mặc dù đây không phải là công bố khoa học đầu tiên, nhưng lại là công bố có giá trị nhất của bản thân trong thời điểm đó. Đây cũng là một trong những công bố đầu tiên của tôi kể từ khi làm việc với GS. Nigel Collier của trường ĐH Cambridge từ những năm 2012 đến nay.
Khi được định hướng công bố tại một tạp chí ISI Q1 có chất lượng, tôi có cách tiếp cận vấn đề, định hướng giải quyết khác rất nhiều, và khối lượng công việc cũng lớn hơn so với những nghiên cứu ở mức độ trung bình. Từ đó, tôi luôn coi đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của mình trong quá trình nghiên cứu khi lần đầu được làm việc với một nhóm nghiên cứu mạnh, tiếp xúc với cộng đồng nghiên cứu đỉnh cao và chia sẻ những gì mình đã, đang theo đuổi với thế giới.
|
Chị Lê Hoàng Quỳnh từng là sinh viên trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Cơ duyên đưa chị đến với lĩnh vực Công nghệ thông tin rất tự nhiên từ suy nghĩ “chữ mình xấu, thôi vào ĐH Công nghệ cho có nhiều đồng đội gõ máy tính đỡ phải viết”. |
- Với chị, đâu là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ thành công trong nghiên cứu khoa học?
- Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu chính là ở sự kiên trì, không ngại sai, không ngại thử, không ngại hỏng và không ngại cố gắng. Vì nghiên cứu chính là tìm kiếm và mở ra những tri thức mới. Chính việc tìm ra lối đi mới, phương pháp mới, khả năng ứng dụng mới là đích đến của mọi nhà nghiên cứu.
Mỗi lần thực nghiệm không như mong muốn, tận mắt nhìn công sức vài tháng của mình bỏ xuống sông, xuống bể là một trải nghiệm "đi vào ngõ cụt". Hay cảm giác quay cuồng trong nhiều lối đi nhưng vẫn không thể tìm ra một ý tưởng mới để triển khai chắc chắn cũng là nỗi ám ảnh của nhiều nhà nghiên cứu. Trong những lúc như thế, chính sự kiên trì, hỏng thì chữa lại, sai thì làm lại, chưa ra thì cố gắng tìm lối đi khác, sẵn sàng thử những ý tưởng mới lạ sẽ là chìa khóa để tôi luôn giữ được lửa nhiệt huyết trong nghiên cứu, cũng như dẫn lối để đi đến thành công.
|
Chị Quỳnh chụp ảnh cùng sinh viên trường ĐH Công nghệ. |
- Nghiên cứu khoa học không có mức lương hấp dẫn như các lĩnh vực, ngành nghề khác, chị có từng trăn trở về vấn đề này không?
- Các nghiên cứu chuyên sâu về học thuật của tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng như được tạo điều kiện để đề xuất đề tài, dự án cấp cơ sở, cấp Đại học Quốc gia... Ngoài ra, một số nghiên cứu của tôi đi theo hướng ứng dụng thực tế, nhằm xây dựng nên các nền tảng hỗ trợ kinh doanh, có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như quảng cáo trực tuyến, bán lẻ, thương mại điện tử, viễn thông, giáo dục...
Quan điểm của tôi là mọi điều mình nhận được, kể cả thu nhập đều sẽ xứng đáng với những gì mình bỏ ra.
(Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh - trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Các nghiên cứu và nền tảng ứng dụng này đã và đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đối với bất kỳ người nào đi theo con đường nghiên cứu, việc có thể đưa những đứa con tinh thần của mình vào triển khai thực tế đem lại không chỉ thu nhập mà còn rất nhiều niềm vui, động lực tiếp tục công việc mà nhiều công việc khác không thể so sánh được.
- Nhiều người thường xuyên "réo tên" thạc sĩ, tiến sĩ với sự kỳ vọng về một phát minh, sáng tạo nào đó. Chị có gặp áp lực với sự kỳ vọng này không?
- Tôi luôn coi sự kỳ vọng này là động lực nhiều hơn là áp lực. Chính vì thế bên cạnh những nghiên cứu chuyên sâu, khi đã tích lũy được phần nào kinh nghiệm và gắn kết với những quan sát, kiến thức xã hội học hỏi được, tôi đã và đang rẽ nhánh một phần các nghiên cứu sang hướng ứng dụng thực tế.
|
Th.S Lê Hoàng Quỳnh đang hoàn thành nốt những bước cuối cùng trong quá trình đào tạo tiến sĩ và chờ quyết định công nhận. |
Bản thân tôi luôn coi việc có những sáng tạo, sáng kiến có thể phục vụ cho xã hội, cho cộng đồng, nước nhà là động lực và là trách nhiệm của tất cả những người làm nghiên cứu. Mọi nghiên cứu sẽ không thực sự đạt được giá trị của mình khi nó không gắn kết với một tác dụng, đóng góp nào đó cho cộng đồng và xã hội. Tôi thực sự rất vui khi đến với giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021, ban tổ chức cũng đã chia sẻ định hướng tập trung đánh giá cao hơn tính ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu thay vì chỉ tính điểm các công bố một cách máy móc và khô khan.
- Là một nhà khoa học nữ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, chị có thông điệp gì muốn gửi gắm với các bạn nữ sinh đang có dự định theo đuổi ngành này?
- Trong năm 2021, tôi có tham gia với vai trò là diễn giả hội thảo “Khám phá tiềm năng Khoa học dữ liệu” (WIDS Hanoi 2021) trong khuôn khổ hội thảo Women in Data Science (WiDS) toàn cầu của Đại học Stanford với sứ mệnh thúc đẩy vai trò và tiềm năng của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học dữ liệu.
Trong quá trình tổ chức hội thảo, tôi nhận ra các bạn nữ có rất nhiều trăn trở khác nhau khi muốn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin nói chung và khoa học dữ liệu nói riêng, tiêu biểu là sự lo lắng đến tính cạnh tranh với nam giới, lo ngại về áp lực công việc...
Và điều tôi muốn chia sẻ nhiều nhất với các bạn nữ trong lĩnh vực này, là mỗi con người, mỗi giới tính đều có những thế mạnh riêng, đặc biệt là ngành IT vốn cần sự tổng hòa giữa sự quyết đoán của nam giới và sự kiên nhẫn chu đáo của nữ giới. Vì vậy, hãy yên tâm rằng luôn có vị trí và vai trò thích hợp cho các bạn trong lĩnh vực mà các bạn đang theo đuổi. Các bạn nữ nên nắm bắt rõ lợi thế và ưu điểm của mình để lựa chọn vị trí và hướng đi phù hợp. Và quan trọng, hãy có tinh thần “dám thử sai” để thử thách bản thân trong những vai trò khác nhau, từ đó lựa chọn công việc thực sự đem lại cho các bạn sự hứng thú và cảm hứng làm việc, cũng như phù hợp với khả năng và cân đối thời gian cho gia đình, xã hội.
- Trân trọng cảm ơn Th.S Lê Hoàng Quỳnh với những chia sẻ thiết thực trong quá trình nghiên cứu khoa học!