Trả lời New York Times, Kimberly Diei, một sinh viên ngành Dược tại Đại học Tennessee (Mỹ), khẳng định các bài đăng của cô ấy trên Twitter và Instagram đều nằm trong giới hạn, không đáng bị coi là thô tục.
Trong vài hình ảnh chia sẻ, Diei khoe ngực trong chiếc váy có thiết kế bó sát và tạo dáng sexy. Ở một bài đăng khác, cô háp nhép theo lời rap 18+ của nữ rapper Cardi B.
Tính đến tuần này, Diei có hơn 19.500 người theo dõi trên trang cá nhân.
Nhưng đối với trường học, các nội dung Diel đăng trên mạng xã hội bị coi là thô tục, không phù hợp với ngành nghề mà cô chọn. Tháng 9 năm ngoái, nhà trường ra lệnh đuổi học Diei.
|
Kimberly Diei (Mỹ) bị nhà trường đuổi học với lý do đăng tải những nội dung vi phạm đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp lên mạng xã hội. Ảnh: The Fire.
|
Bị đuổi học vì phát ngôn trên mạng
Nghe quyết định, Diei không tin vào tai mình. Có 2 ngày để kháng cáo, cô tìm đến một luật sư.
Về sau, cô đệ đơn kiện lên chính quyền bang với sự giúp đỡ của luật sư chuyên nghiệp, với cáo buộc trường học đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của cá nhân.
Đơn kiện của Kimberly Diei chống lại Đại học Tennessee (Mỹ) đặt ra câu hỏi khi nào các trường có thể kỷ luật sinh viên vì phát ngôn trên mạng của họ.
Trong khi các nền tảng như Facebook, Twitter và Instagram vẫn đang phải vật lộn với việc kiểm soát nội dung, nhiều trường đại học Mỹ cũng đang ở trong tình thế tương tự.
Nhiều trường cố đưa ra chính sách xung quanh những gì sinh viên được phép đăng tải và phát biểu trên mạng. Còn lớp người trẻ tuổi lên tiếng phản đối trường không có quyền áp đặt việc sử dụng mạng xã hội của họ.
“Nếu ai đó la hét trong lớp học, nhà trường có quyền kiểm soát thời gian, địa điểm và cách thức. Nhưng khi sinh viên thể hiện sự phẫn nộ trên Twitter, đó là không gian cá nhân hay của trường?”, Peter Lake, giám đốc trung tâm về luật và chính sách giáo dục đại học tại Đại học Luật Stetson, nói.
|
Trong khi các trường đại học Mỹ cố kiểm soát nội dung sinh viên đăng tải lên mạng, những người trẻ coi đó là hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ. Ảnh: Insider.
|
Thực tế, các trường đại học thường không chủ động kiểm soát nội dung đăng tải trên mạng, trừ khi thành viên trong cộng đồng hay sinh viên, cựu sinh viên phàn nàn về những gì họ đọc được.
Hồi tháng 1, tòa án bang Pennsylvania xét xử trường hợp nữ sinh một trường trung học đã bị loại khỏi đội cổ vũ sau khi nữ hoạt náo viên này đưa ra nhiều lời phàn nàn khiếm nhã về đội bóng của nhà trường.
Nữ sinh này đã gửi hình ảnh cho 250 người bạn trên Snapchat với chú thích chửi rủa trường học, đi kèm hành động giơ ngón tay “thối”. Một số học sinh đã báo cáo lại cho nhà trường.
Sau khi bị đuổi khỏi đội cổ vũ vì hành động trên, nữ sinh kiện nhà trường và được xử thắng. Trường học này đang tiến hành kháng cáo lại.
Tương tự trường hợp của Diei, Đại học Missouri cũng đuổi học một sinh viên vì đặt tiêu đề thô tục trên tờ báo tự sản xuất. Phía nhà trường nói rằng nó vi phạm chính sách yêu cầu sinh viên “tuân thủ các tiêu chuẩn được chấp nhận chung về ứng xử và cấm hành vi hoặc lời nói khiếm nhã."
|
Vụ việc giữa Đại học Tennessee và sinh viên vẫn chưa ngã ngũ.
|
"Nhà trường không có quyền kiểm soát"
Về phần Diei, cô nói rằng các lãnh đạo và ban quản lý của nhà trường luôn áp đặt quan điểm, thị hiếu cá nhân của họ để đưa ra những đánh giá chủ quan về hành vi của sinh viên.
Theo hồ sơ của tòa án, ủy ban ứng xử chuyên nghiệp của Đại học Tennessee, bao gồm 9 giảng viên và 3 sinh viên, đã trích dẫn một số ví dụ mà họ cho là phản cảm trong các bài đăng của Diei.
Bằng chứng được đưa ra là bài đăng Diei chế lại lời bài hát WAP của rapper Cardi B có nhắc nhiều đến yếu tố tình dục. Phản bác lại, Diei nói rằng những gì cô viết nằm trong giới hạn bình thường của các cuộc thảo luận trên mạng xã hội.
Lần thứ nhất có người phản ánh, phía nhà trường yêu cầu cô viết thư giải thích. Lần thứ hai, Diei nhận được thông báo nói rằng “cô vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và yêu cầu nghề nghiệp”.
|
Thực tế, các trường đại học thường không chủ động kiểm soát nội dung đăng tải trên mạng, trừ khi thành viên trong cộng đồng hay sinh viên, cựu sinh viên phàn nàn về những gì họ đọc được. Ảnh: Vox.
|
Trưởng khoa thông báo đuổi học Diei 3 tuần sau đó, sau khi hiệu trưởng gọi điện cho cô, yêu cầu chặn những người liên quan tới trường khỏi tài khoản của cô và không để người khác biết cô đang theo học ở đâu.
“Điều đó khó thực hiện vì tôi có nhiều người theo dõi”, Diei nói.
Diei tin rằng mình có thể đã bị Đại học Tennessee đuổi học do phân biệt chủng tộc và Diei chiếm ưu thế trong lớp, thường xuyên đặt câu hỏi - điều mà cô nói khiến những người khác trong lớp từng phàn nàn trên mạng.
Melissa Tindell, đại diện Đại học Tennessee, cho biết không thể bình luận gì thêm vì vụ kiện đang chờ xử lý.
Diei vẫn đăng tải những nội dung mình thích trên mạng xã hội. Nhưng hiện tại, cảm giác có phần phân vân hơn.
“Tôi có thể nói điều này hay tôi sẽ lại gặp rắc rối vì nó? Tôi thực sự không biết", Diei tự hỏi.