Trong đợt tốt nghiệp cuối năm 2022 của Học viện Hàng không Việt Nam, cô gái Nguyễn Thị Hường, 23 tuổi, quê Thanh Hóa giành loại xuất sắc ngành kỹ thuật hàng không với điểm tích lũy 3.61/4.
Với kết quả này, Hường lập kỳ tích là nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc trong hơn 40 năm qua tại Học viện Hàng không Việt Nam.
Phía sau kỳ tích này không chỉ là nỗ lực, là kết quả học tập, là điểm số mà hơn hết là hành trình vượt định kiến giới trong chính bản thân cô gái Nguyễn Thị Hường.
Quan điểm các ngành nghề về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không là "địa phận của nam giới" lâu nay vẫn còn phổ biến. Nhắc đến những công việc này, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh của các nam kỹ sư.
Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản được nhiều bạn nữ vượt qua những rào cản vô hình đó để theo đuổi cũng như khẳng định năng lực của bản thân. Và cô gái Nguyễn Thị Hường là một trong những trường hợp như vậy.
|
Hường là nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc trong hơn 40 năm qua tại Học viện Hàng không Việt Nam (Ảnh: NVCC).
|
Hường chia sẻ thật lòng, ban đầu ngành kỹ thuật không phải là lựa chọn của mình vì từ bé, cô đã... mê mẩn sau này lớn lên sẽ trở thành nữ cảnh sát chuyên đi bắt kẻ xấu.
Rồi cái duyên làm cảnh sát chưa đến khi Hường không đủ điểm vào ngành này. Khi đó Hường có nhiều lựa chọn nhưng cô... bẻ ngoặt bất ngờ khi theo đuổi ngành được mặc định "của bọn con trai" là kỹ thuật hàng không.
Hường chỉ có thể lý giải ngành chọn mình. Còn cô đã nỗ lực bước qua những rào cản, định kiến vô hình để đến với nghề.
Ai cũng hiểu, sinh viên nữ học tập tại khối ngành kỹ thuật sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần. Nói về nghĩa đen, nơi này không nhẹ nhàng, nhàn nhã, sạch sẽ mà có thể là những công việc khuân vác nặng, leo trèo để sửa chữa, lắp đặt thiết bị, nhem nhuốc… Trên thực tế, không ít bạn nữ chủ động theo đuổi ngành kỹ thuật rồi bỏ cuộc giữa chừng khi không thể "sống cùng lũ".
Còn Hường, sau những giờ lý thuyết, cô bắt đầu mê mẩn những giờ thực hành được khuân vác, được mày mò, khám phá với các thiết bị máy móc, với dầu mỡ... Khi học, Hường mê được trực tiếp cầm công cụ thực hành trên các động cơ hơn là nghiên cứu ở sách vở.
|
Nữ giới theo đuổi ngành kỹ thuật cần vượt qua định kiến với chính bản thân (Ảnh: NVCC).
|
Hường có thể say sưa làm việc giữa nắng, tháo lắp động cơ, sửa chữa máy móc hay kể cả khi mang vác các vật nặng. Dần dần, cô gái nhận ra đây chính là đam mê, là những khát khao trong mình.
Ngoài việc chuẩn bị sẵn cho mình một sức khỏe để đối mặt với công việc có sức "bào mòn thể chất" này, Hường có lợi thế là sự khéo léo, tỉ mỉ để hoàn thành công việc một cách chỉnh chu nhất có thể.
Ngoài ra, Hường tiết lộ: "Là sinh viên nữ nên mình được các thầy cô và các bạn nam trong lớp ưu ái, giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiệt tình. Tính mình không ngại hỏi nên gom được rất nhiều kiến thức từ thầy cô, bạn bè lắm".
Trong quá trình học, Hường cùng thầy cô, bạn bè thực hiện nhiều dự án. Trong đó, đề tài "Ứng dụng thực tế ảo trong bảo dưỡng" giúp người dùng có thể sử dụng các kính thực tế ảo đã được cài đặt sẵn các chương trình bảo dưỡng để thực hành hóa các quy trình bảo dưỡng của một hãng hàng không.
Hường cũng tham gia vào nhóm nghiên cứu về quá trình đánh giá an toàn và chất lượng trong bảo dưỡng của hãng hàng không tại trường. Ngoài ra, Hường cùng một số giảng viên vẫn đang phát triển dự án về kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, hỗ trợ cho quá trình học tập của sinh viên ngành kỹ thuật hàng không.
Sau khi tốt nghiệp, Hường tiếp tục theo đuổi việc học và nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn.
Nói về việc nữ giới theo đuổi ngành kỹ thuật, nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hường chia sẻ, bạn là nam hay nữ không quan trọng, điều cần nhất là bạn có đam mê, yêu thích và học tập, làm việc có mục đích.
Với các bạn gái theo đuổi lĩnh vực kỹ thuật, theo Hường, họ cần chuẩn bị cho mình một tâm lý vững chắc cũng như sức khỏe tốt để có thể theo xuyên suốt quá trình học tập, nghiên cứu và xác định sẽ phải đổ ra nhiều nỗ lực hơn nam giới. Đó chính là cách để bản thân vượt qua định kiến "nữ thì không làm được".