Những bé gái Ấn Độ bị ép kết hôn ở tuổi lên 8

Google News

Vấn nạn tảo hôn dai dẳng và sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều bé gái Ấn Độ, Pakistan bị gia đình ép kết hôn sớm và có nguy cơ cao lỡ dở việc học hành.

Đối với Manju (17 tuổi, không phải tên thật) ở làng Hansiyawas, bang Rajasthan, Ấn Độ, cách duy nhất để cô không phải kết hôn sớm là ngăn cản chị gái Babli (20 tuổi) đến nhà chồng, theo South China Morning Post.

Babli kết hôn năm 8 tuổi nhưng "gauna" - chỉ việc cô dâu được gửi đến sống với gia đình chồng và bắt đầu có thể quan hệ tình dục - vẫn chưa diễn ra.

“Ngay sau khi chị gái tôi về nhà chồng, bố mẹ chắc chắn sẽ khiến tôi kết hôn", Manju, hiện là học sinh lớp 12, nói. Cô đính hôn khi mới 12 tuổi. Sau Manju còn có 3 người em.

Cha của Manju và Babli từng kiếm được khoảng 15.000 rupee (205 USD)/tháng nhờ công việc nấu ăn trong các đám cưới. Tuy nhiên, ông không còn việc làm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3 năm ngoái và có lệnh phong tỏa.

Khoản tiền tiết kiệm 50.000 rupee đã cạn, cả gia đình phải sống nhờ việc bán sữa. Trong thời gian phong tỏa, cha mẹ Manju đã thảo luận về cuộc hôn nhân của cô song không có đủ tiền mặt.

Cuối cùng, khi cha cô bắt đầu kiếm được việc trở lại vào tháng 1, cũng là mùa cưới, áp lực kết hôn đè lên nữ sinh càng tăng cao.

Nhung be gai An Do bi ep ket hon o tuoi len 8

Nhiều bé gái Ấn Độ, Pakistan bị gia đình ép kết hôn từ nhỏ. Ảnh minh họa: Reuters.

Trong thời gian phong tỏa, Manju không thể tham gia các lớp học trực tuyến vì không có điện thoại kết nối Internet. Tuy nhiên, may mắn là cô đã có thể trở lại trường học vào tháng 1.

“Tôi đã nói với bố mẹ rằng tôi muốn tiếp tục học và trở thành một cảnh sát. Một khi đạt được ước mơ, tôi sẽ hủy hôn", cô chia sẻ.

Pintu Paul, nhà nghiên cứu về tảo hôn tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Khu vực của Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết hôn nhân cưỡng ép là một vấn đề dai dẳng ở Ấn Độ. Khi hàng triệu người mất việc làm do đại dịch, vấn đề này ngày càng trầm trọng.

“Các gia đình nghèo cho con gái kết hôn để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình", Paul nói, cho biết thêm phần lớn nữ sinh rất có thể bị buộc nghỉ học.

Khó kiểm soát

Ở Ấn Độ, tuổi kết hôn hợp pháp tối thiểu là 18 đối với nữ và 21 đối với nam. Theo dữ liệu của UNICEF năm 2018, khoảng 27% trẻ em gái ở Ấn Độ kết hôn trước khi đủ 18 tuổi.

Nếu bị bắt quả tang cho con cái chưa đủ tuổi kết hôn, các bậc cha mẹ Ấn Độ có thể bị phạt tới 100.000 rupee và phạt tù 2 năm.

Tổ chức Childline India Foundation đã can thiệp 5.584 trường hợp liên quan đến tảo hôn trong 3 tháng đầu Ấn Độ phong tỏa.

Tại Pakistan, vào tháng 2, cảnh sát cũng điều tra và tuyên bố chính trị gia Maulana Salahuddin Ayubi, quan chức tỉnh Balochistan, đã kết hôn với một bé gái 14 tuổi. Tại nước này, độ tuổi kết hôn hợp pháp tối thiểu là 16 đối với nữ và 18 tuổi đối với nam.

Nhung be gai An Do bi ep ket hon o tuoi len 8-Hinh-2

Nạn tảo hôn còn diễn ra tại nhiều quốc gia Nam Á. Ảnh: AFP.

Qamar Naseem, điều phối viên của tổ chức phi lợi nhuận Blue Veins, nhận định vụ việc cho thấy các quan chức Pakistan chưa thực sự chú ý đến việc hạn chế nạn tảo hôn và bạo lực phụ nữ. Theo Naseem, nhiều đàn ông Pakistan trở về từ vùng Vịnh sau khi mất việc do đại dịch đã kết hôn với trẻ vị thành niên.

Naseem cũng cho hay các gia đình nghèo ở Pakistan thường coi phụ nữ là gánh nặng từ khi họ bắt đầu có kinh nguyệt và tình trạng phong tỏa khiến điều này thêm trầm trọng.

“Đối với họ, việc kiếm chồng cho con gái dường như là việc dễ dàng hơn”, Naseem nói.

Hadiqa Bashir (19 tuổi), người thành lập tổ chức phi lợi nhuận United for Human Rights, đã dành 7 năm qua để chống lại các cuộc hôn nhân cưỡng ép ở thung lũng Swat, Pakistan. Cô cho biết đã gặp hơn 30 cuộc hôn nhân cưỡng ép liên quan đến các bé gái khi dịch bùng phát.

"Đã có trường hợp một bé gái 8 tuổi bị ép kết hôn với một người đàn ông 35 tuổi vì người cha mê cờ bạc của cô bé hết tiền tiêu", cô nói.

Theo Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)