Mắc chứng tâm lý lo âu do suy nghĩ nhiều và tưởng tượng
Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), sự gia tăng của coronavirus dường như đang gây ra tổn thương tâm lý cho người dân Hàn Quốc, cũng như với các bệnh nhân nghi ngờ và được xác nhận nhiễm COVID-19.
Nhiều người trong số họ đã phải vật lộn với nỗi sợ bị nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia sức khoẻ tâm thần ở nước này, việc "cách ly tâm lý" cần được chú ý hơn nữa, vì các vấn đề sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra có thể nghiêm trọng và bất lợi như thương vong gia tăng và thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh.
Kể từ khi quốc gia xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-Cov-2 đầu tiên vào ngày 20/1/2020, nỗi lo về căn bệnh COVID-19 đã nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, những nỗi sợ như vậy dự kiến sẽ leo thang hơn nữa, khi số lượng người nhiễm bệnh ở Hàn Quốc lên tới 7.313 và số tử vong là 50.
Một số người nói rằng họ liên tục cảm thấy lo lắng về việc nhiễm virus, trong khi những người khác nói rằng họ sợ đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người.
Bệnh nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh nói rằng họ trải qua cảm giác lo lắng mạnh mẽ hơn về sự kỳ thị xã hội và sự cô đơn từ sự cô lập kéo dài.
Trung tâm Chấn thương thiên tai quốc gia cho biết, họ đã đầy ắp các yêu cầu dịch vụ từ các bệnh nhân mắc bệnh, những người tự cách ly và những người đang phải vật lộn với sự lo lắng, căng thẳng.
"Bệnh nhân và người xuất viện sau khi điều trị tại bệnh viện lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho xã hội.
Ngày càng có nhiều nhu cầu tư vấn từ những công dân bình thường đối phó với nỗi sợ mắc bệnh truyền nhiễm" - một lãnh đạo tại trung tâm cho biết.
Vị quan chức này cho biết thêm, nhiều người Hàn Quốc từ Trung Quốc cũng phàn nàn về việc họ căng thẳng bởi sự thiếu thân thiện và ánh mắt cảnh giác với họ.
Trung tâm Điều hành nhà nước cho biết họ đã nhận được tổng cộng 540 yêu cầu tư vấn từ các bệnh nhân coronavirus và gia đình của họ từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 này.
Các trung tâm phúc lợi và sức khỏe tâm thần được điều hành bởi chính quyền đô thị và các tỉnh trên toàn quốc đã nhận được 18.060 yêu cầu tư vấn từ những người bị cách ly và công dân bình thường trong cùng thời gian.
Cần giảm xem tin tức liên quan đến dịch bệnh và được hỗ trợ tâm lý
Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Tiếp tục suy nghĩ và tưởng tượng về COVID-19 có xu hướng làm tăng sự lo lắng, ám ảnh và mất lòng tin của mọi người".
"Những người mắc chứng lo âu bệnh lý nên tìm sự giúp đỡ từ các cố vấn chuyên nghiệp, vì chỉ cần hành động mở lòng với ai đó sẽ có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời", bà nói.
Vị giáo sư này cũng khuyến cáo người dân giảm sự quan tâm đến tin tức dịch bệnh và chuyển sự chú ý sang các sở thích và nhiều thứ khác.
Bức ảnh này được chụp vào ngày 7 tháng 3 năm 2020, cho thấy một thông báo trước một khu chung cư ở Daegu đã bị cách ly khi có các ca nhiễm bệnh mới xảy ra giữa các cư dân.(Ảnh: Yonhap)
COVID-19 cũng đã trở thành một chủ đề chính của tư vấn tâm lý trực tuyến được cung cấp bởi các cố vấn tư nhân.
Một YouTuber chuyên về tư vấn tâm lý gần đây đã mở một phòng chat Kakao về căng thẳng và nỗi sợ liên quan đến coronavirus và có tới 110 người đã tham gia trò chuyện trong vài ngày.
Hầu hết những người tham gia cho biết sự lo lắng của họ đã trở nên tồi tệ hơn khi xem tin tức liên quan đến virus mỗi ngày.Một người nói rằng anh ta hầu như không ngủ trong hai ngày do lo lắng về việc lây nhiễm giữa những người theo nhóm tôn giáo, trong khi một người khác phàn nàn về tình trạng rối loạn hoảng loạn và khó thở.
Trong khi đó, các thành phố Seoul và Daegu, thành phố đông nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, gần đây đã thành lập các nhóm hỗ trợ tâm lý của riêng họ bao gồm bác sĩ tâm thần, giáo sư chăm sóc khẩn cấp và chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Trẻ em ngồi cách xa nhau tại một trung tâm chăm sóc sau giờ học công cộng ở Seongdong, Seoul, vào ngày 6 tháng 3 năm 2020 (Ảnh: Yonhap)
Thị trưởng Seoul Park Won-Soon cho biết, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa các dịch vụ tư vấn tâm lý. Ông cho biết một trang web của thành phố cung cấp 15 loại nội dung về hỗ trợ tâm lý liên quan đến coronavirus đã ghi nhận 4.367 lượt truy cập và 8.244 lượt xem trang các ngày 24/2 và ngày 2/3.
Tại Daegu, hơn 100 cố vấn chuyên nghiệp thuộc nhóm hỗ trợ tâm lý của thành phố đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho công dân, bệnh nhân và bệnh nhân nghi ngờ qua điện thoại (1577-0199) 24 giờ mỗi ngày.
"Mức độ lo lắng và căng thẳng bình thường là điều tự nhiên. Nhưng nếu những hiện tượng như vậy kéo dài hơn vài ngày và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, thì cần có tư vấn tâm lý", một quan chức của Daegu nói.