Theo Tòa án Phá sản Seoul, tính đến cuối năm 2021, có 5,7% người nộp đơn xin phá sản ở độ tuổi 30 và 16,7% ở độ tuổi 40. Năm 2020, con số là 6,9% người ở độ tuổi 30 và 18,9% ở độ tuổi 40.
Điều này có nghĩa là 2 nhóm tuổi trên chiếm từ 20 đến 25% tổng số hồ sơ xin phá sản cá nhân, theo Chosun Ilbo.
Làm việc trong quán bar từ những năm 20 tuổi, một phụ nữ 36 tuổi đã phải nộp đơn xin phá sản cá nhân vào đầu năm 2021 sau khi vay 100 triệu won để trang trải sinh hoạt phí và các khoản khác.
Một nhân viên hộp đêm 47 tuổi cũng rơi vào cảnh tương tự vì không có việc làm trong gần 2 năm do các quy định phong tỏa vì Covid-19.
Đại dịch khiến cuộc sống của nhiều người trẻ lâm vào nợ nần. Ảnh: Reuters.
Nhiều người đã cố gắng cơ cấu lại thời hạn trả các khoản nợ của mình. Một người đàn ông 33 tuổi đã đóng cửa doanh nghiệp trang trí nội thất vào năm 2020, chỉ 1 năm sau khi kinh doanh và gánh khoản nợ gần 100 triệu won.
Sau đó, anh tìm được việc làm ở một công ty và trả được khoảng 200.000-300.000 won/tháng. Tuy nhiên, trong một đợt cắt giảm nhân sự, anh bị sa thải và cuối cùng phải tuyên bố phá sản.
Trong 3 tháng qua, Tòa án Phá sản Seoul đã xử lý 95% đến 97% vụ phá sản do những người trẻ nộp đơn. Một nguồn tin tại tòa án cho biết: "Chúng tôi đang xử lý các đơn đăng ký để những người trẻ tuổi có thể đứng dậy trở lại sau vấp ngã".
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố hôm 15/3, so với các thế hệ trước, người trẻ Hàn Quốc hiện có mức tăng thu nhập nhỏ hơn, sở hữu ít tài sản tài chính hơn và nợ nhiều hơn.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế hệ trẻ cũng phải vay nhiều tiền hơn để mua nhà do giá nhà đất tăng vọt. Tổng số nợ mà Millennials và Thế hệ Z nắm giữ năm 2018 cao gấp 4,3 lần so với những người tầm tuổi vào năm 2000.
Trong khi đó, số nợ của thế hệ X chỉ cao hơn 2,4 lần, thế hệ Baby Boomer cao hơn 1,8 lần so với thế hệ trước đó.