Lằn ranh giữa quấy rối và tán thưởng ngoại hình ở Shark Tank

Google News

Lấy danh nghĩa bông đùa, trêu ghẹo, ngợi khen ngoại hình, nhiều người đang hạ thấp thực lực, giá trị của phụ nữ trong môi trường làm việc.

Lan ranh giua quay roi va tan thuong ngoai hinh o Shark Tank

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2010, Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy, với tư cách là giám khảo, từng tuyên bố: "Bản thân cái đẹp đã là tài năng rồi". Vào thời điểm đó, phát ngôn này đã bị nhiều người chỉ trích.

Hơn 10 năm sau, không trực diện như cách nói của nàng hậu, song một số nhà đầu tư trong Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ, chương trình về kinh doanh được phát sóng khung giờ vàng trên kênh truyền hình quốc gia, chẳng ngần ngại thừa nhận "xinh" cũng là một tiêu chí để đánh giá các startup. Thế nên "cứ xanh, sạch, xinh là xong" mà "không cần quan tâm đến business".

Từ cuộc thi sắc đẹp cho đến sân chơi kinh doanh với khoảng cách thời gian hơn một thập niên nhưng câu chuyện đằng sau lại gần như tương đồng: Phân biệt giới, định kiến ngoại hình.

Theo các chuyên gia, trước khi xuất hiện trên sóng truyền hình, những nhận xét cợt nhả, sỗ sàng về ngoại hình nữ giới vốn đã không còn xa lạ gì trong môi trường công sở, cuộc sống hàng ngày. Lấy danh nghĩa là những câu bông đùa, trêu ghẹo hay ngợi khen ngoại hình, hành vi quấy rối phụ nữ thậm chí được mặc nhiên chấp nhận trong nhiều trường hợp.

Định kiến sau những lời khen

Khi cấp trên, đồng nghiệp khen ngợi ngoại hình của một nữ nhân viên. Nó có vẻ vô hại hay thậm chí còn khiến cô gái cảm thấy vui, cho đến khi nhân viên này chỉ luôn nhận được những nhận xét hời hợt về vẻ bề ngoài mà không bao giờ được đánh giá về năng lực, công việc.

Theo đại diện Nhà Nhiều Cột, chiến dịch xã hội do CARE Quốc tế tại Việt Nam và Tuva Communication thực hiện nhằm hướng đến bình đẳng giới, những lời khen như vậy cũng là một dạng phân biệt giới, định kiến phổ biến trong môi trường công sở.

"Định kiến nam giới có tố chất cho vị trí lãnh đạo, nữ giới phù hợp hơn với những công việc hỗ trợ, quán xuyến gia đình và 'Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu' vẫn được chấp nhận rộng rãi. Điều này đã góp phần bình thường hóa những hành động, cử chỉ, câu nói chỉ tập trung vào ngoại hình nữ giới mà ít khi nhìn nhận, đánh giá về năng lực chuyên môn".

Lan ranh giua quay roi va tan thuong ngoai hinh o Shark Tank-Hinh-2

Những lời khen ngoại hình hời hợt có thể đem đến cái nhìn sai lệch khi đánh giá năng lực của nữ giới trong môi trường làm việc. Ảnh: Shutterstock.

Chia sẻ với Zing, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), nói rằng ngày nay các tiêu chí ngoại hình đang bị áp dụng một cách bừa bãi, vô lý trong công tác tuyển dụng người lao động và bổ nhiệm lãnh đạo.

"Những quy định thành văn như về chiều cao, hình thể không có sẹo, không xăm trổ... Bất thành văn là những yêu cầu phải xinh đẹp, dịu dàng, dễ coi".

Bà Hà nói thêm nếu ưu ái hoặc loại bỏ ai đó vì yếu tố ngoại hình trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm hay cung cấp tài trợ cũng là một hành vi phân biệt đối xử bị nghiêm cấm cả về mặt pháp lý và đạo đức.

Quấy rối, vật thể hóa phụ nữ

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), những câu như "Cứ xanh, sạch, xinh là xong" hay "Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi" là không thể chấp nhận trên sóng truyền hình và cả trong đời sống hàng ngày vì bản chất đó là quấy rối.

"Nếu đối tượng là nam giới, thay vì là nữ, sẽ không có những bình phẩm như vậy. Phụ nữ bị hạ thấp, coi thường, vật thể hóa một cách công khai. Điều đó cũng cho thấy lý do chúng ta cứ mãi đấu tranh cho bình đẳng giới mà lại chẳng đi đến đâu", bà Hồng nói với Zing.

Lan ranh giua quay roi va tan thuong ngoai hinh o Shark Tank-Hinh-3

Quấy rối bằng lời nói phổ biến trong thực tế song chưa được nhìn nhận đúng đắn. Ảnh: Shutterstock.

Tiến sĩ cũng khẳng định việc dung túng cho những phát ngôn thô bỉ, những cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối, phân biệt đối xử giới tính là khó có thể chấp nhận.

"Nếu xem xét chi tiết thì một số hành vi đó có thể coi là vi phạm Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động và Nghị định 167".

Cũng bàn về vấn đề này, Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) cho rằng quy chuẩn để nhận biết lời khen và quấy rối là cảm nhận của người nhận được những câu nói ấy.

"Nếu như bản thân người nhận cảm thấy đó là lời khen ngoại hình bình thường thì không phải là quấy rối. Tuy vậy, một người chỉ có thể được coi là tự do ý chí khi không cảm thấy mình yếu thế hơn người đưa ra những nhận xét, lời khen ấy".

Cần sân chơi bình đẳng hơn

Nói với Zing, nghiên cứu sinh tiến sĩ Ngô Di Lân cho rằng việc phát ngôn như Shark Phú đã ngầm gửi đi thông điệp rằng nếu nữ doanh nhân đủ xinh đẹp, ngoại hình đủ ấn tượng thì ý tưởng hay dở không còn mấy quan trọng nữa.

"Nếu chỉ đúng một câu thoáng qua thì còn có thể đổ tại vạ miệng hay suy diễn theo một cách tích cực là Shark Phú quan tâm tới yếu tố con người (founder) hơn là sản phẩm cụ thể trong trường hợp này (chiếc xe đạp). Tuy nhiên, sau mấy câu khác nhau nhưng lặp lại cùng một ý như vậy thì chúng ta buộc phải hiểu rằng lời bình luận này nhắm tới nhan sắc của nữ founder của Wiibike chứ không phải năng lực, cá tính hay tư duy của chị ấy".

Lan ranh giua quay roi va tan thuong ngoai hinh o Shark Tank-Hinh-4

CEO Thu Hằng nhận lời đề nghị rót vốn của Shark Phú. Ảnh: Shark Tank.

Với những ý kiến cho rằng Shark Phú bình luận như vậy là vì để ý đến nhân tướng học chứ “làm gì có chuyện ông ấy quan tâm đến nhan sắc của chị Hằng được vì chị ấy có xinh đâu”, học giả Ngô Di Lân khẳng định những lập luận như vậy hiểu lầm vấn đề cốt lõi ở đây.

"Bình luận như vậy do nhân tướng học hay không, không ai có thể biết được. Cái ta chắc chắn là những lời kiểu như vậy xảy ra hàng ngày hàng giờ, ở nhiều mức độ khác nhau với phái nữ. Tôi không quá am hiểu về phong trào nữ quyền, nhưng là nam giới và đã từng sinh sống ở những nước tự do và 'cánh tả' bậc nhất ở phương Tây như Hà Lan hay Thuỵ Điển, tôi phải khẳng định rằng xã hội hiện nay dù ở bất kỳ nơi nào, vẫn ưu ái đàn ông hơn nhiều".

Học giả Ngô Di Lân đưa ví dụ đơn giản, ở Việt Nam, đa số các bạn nam được tự do theo đuổi sự nghiệp mình mong muốn mà không phải chịu áp lực “lấy vợ đẻ con” từ quá sớm. Khi có gia đình, đàn ông cũng không bị kỳ vọng sẽ vừa phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

"Không ai được chọn giới tính của mình khi sinh ra nên không có lý gì chúng ta buộc phụ nữ phải chịu thiệt vì một thứ nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Tôi nghĩ chúng ta vừa có trách nhiệm, vừa có lợi ích trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các giới".

"Và trước tiên, việc tất cả những người đàn ông đều có thể bắt đầu làm là ngưng bình luận về ngoại hình của các bạn gái trong công việc. Chỉ làm triệt để riêng cái đấy thôi cũng đã là một bước tiến lớn rồi", học giả Ngô Di Lân kết luận.

Theo Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)