Lần đầu làm mâm cỗ tất niên của vợ chồng trẻ

Google News

Sau nhiều năm ăn Tết ở Hà Nội, vợ chồng Phương Anh (31 tuổi) quyết định đón giao thừa ở TP.HCM. Lần đầu tự sắm sửa, làm mâm cơm tất niên...

Chiều 28 tháng Chạp, vợ chồng Phương Anh (31 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên. Người gói nem, người hầm canh. Bầu không khí gia đình ấm áp những ngày cuối năm.

“Lần đầu đón Tết xa nhà, đứng bếp làm cơm tất niên… Những cái ‘lần đầu’ ấy khiến tôi muốn chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất trước ngày 29 tháng Chạp. Năm nay chỉ có hai vợ chồng ở bên nhau, chúng tôi muốn cùng san sẻ mọi việc để thêm gắn bó”, Phương Anh nói với Zing.

Lan dau lam mam co tat nien cua vo chong tre
 Phương Anh đi sắm sửa thêm đồ chuẩn bị cho Tết vào ngày 28 tháng Chạp.

Với những cặp vợ chồng lần đầu tự tay chuẩn bị các mâm cơm cúng lên ông bà, tổ tiên ngày Tết, bỡ ngỡ, lo lắng là điều dễ hiểu. Song song với đó là cảm giác trưởng thành hơn, biết vun vén cho tổ ấm của mình một cái Tết đủ đầy, đúng phong tục truyền thống.

Mâm cỗ vị Bắc ở miền Nam

Phương Anh cho biết mình quyết định ăn Tết ở TP.HCM vì ngại di chuyển trong tình hình dịch bệnh hiện tại.

“TP.HCM chỉ vừa ổn định lại sau dịch, còn dịch bệnh ở Hà Nội khá phức tạp. Vợ chồng tôi lo rằng nếu di chuyển sẽ tốn kém chi phí, hơn nữa còn có nguy cơ lây nhiễm cho người thân. Thật may vì gia đình hai bên đều ủng hộ”.

Những năm trước, khi còn ở Hà Nội, Phương Anh luôn bận rộn những ngày cận Tết. Cô phụ giúp bố mẹ hai bên chuẩn bị thực phẩm, làm mâm cỗ cúng.

“Mẹ tôi luôn chuẩn bị mâm cơm cầu kỳ mỗi dịp tất niên. Hồi đó, tôi chỉ phụ các mẹ làm vài việc vặt. Giờ đích thân đảm nhiệm mới thấy mọi thứ không dễ dàng”.

Để chuẩn bị mâm cỗ tất niên, vợ chồng Phương Anh mua sắm bánh kẹo, mứt Tết, thực phẩm từ trước ngày ông Công ông Táo. Với các thực phẩm khô, cô sớm đặt mua online giao tới tận nhà để tiết kiệm thời gian.

Lan dau lam mam co tat nien cua vo chong tre-Hinh-2

Lan dau lam mam co tat nien cua vo chong tre-Hinh-3

Món nem rán truyền thống tốn nhiều thời gian chuẩn bị hơn các món khác bởi có nhiều nguyên liệu.

"Năm nay, nhà tôi chỉ định chi tiêu 2-3 triệu đồng sắm Tết. Hai vợ chồng tôi không quá cầu kỳ chuyện ăn uống, lại theo xu hướng tối giản nên đã cẩn thận lên danh sách những thứ cần mua, phải chuẩn bị từ sớm".

Mua sắm online là vậy, song chiều 28 Tết, Phương Anh vẫn cùng chồng đi chợ Đoàn Văn Bơ và chợ hoa Hồ Thị Kỷ để mua sắm, tận hưởng không khí Tết ở TP.HCM. Với cô, bầu không khí Tết ở Sài Gòn đem đến cảm xúc hoàn toàn khác Hà Nội.

Thiếu đi cái lạnh và sắc hồng hoa đào, nhiều hơn ánh vàng của hoa mai. Với một người đam mê những trải nghiệm mới, điều này khiến cái Tết đầu tiên ở Sài Gòn của cô thêm đáng nhớ.

"Trước giờ, tôi vẫn hay đi chợ vì thích cảm giác gần gũi, sôi nổi ở đó. Vào ngày lễ Tết, bầu không khí ấy càng thêm vui nhộn, hào hứng, khiến tôi cũng vui lây. Đến quầy hàng nào thì chủ tiệm cũng chào mời nhiệt tình, giúp tôi lựa được những miếng thịt ngon, hoa quả tươi nhất", cô cười.

Sớm ngày 29 Tết, căn bếp nhỏ trong gia đình Phương Anh bắt đầu đỏ lửa. Hai vợ chồng bắt tay thực hiện mâm cỗ tất niên đầu tiên của riêng mình.

Cô đã chuẩn bị nguyên liệu cho các món nem rán, miến gà, canh xương... từ tối ngày 28 tháng Chạp để không bị cập rập.

Món ăn mất thời gian nhất là nem rán bởi có nhiều nguyên liệu cần sơ chế. Phương Anh cho hay cô chưa ưng ý hẳn món này vì không tìm được đúng loại bánh đa nem mà các gia đình miền Bắc hay dùng.

Chia sẻ với Zing, Phương Anh cho biết năm nay, mâm ngũ quả của gia đình nhỏ sẽ được bày trí theo kiểu miền Nam: quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài.

"Năm đầu tiên đón Tết ở trong Nam, tôi muốn thử kết hợp văn hóa 2 miền để có thêm trải nghiệm. 'Cầu sung vừa đủ xài' cũng là điều chúng tôi ước mong trong năm mới".

Nhìn mâm cỗ "thành hình" sau 4 tiếng nỗ lực, vợ chồng Phương Anh cảm thấy mãn nguyện. Cô gọi điện về cho gia đình ở Hà Nội để khoe thành quả, đồng thời hỏi thăm tình hình chuẩn bị cỗ bàn ở nhà.

"Trải nghiệm này đặc biệt hơn hẳn, bởi khó có dịp chúng tôi được đón Tết trong 'thế giới hai người'. Tuy vắng vẻ hơn mọi năm, cả hai sẽ tận dụng thời gian này để ở bên nhau, có thêm trải nghiệm sống".

Ra dáng gia đình đúng nghĩa

Mới kết hôn được gần nửa năm, Tết Nhâm Dần 2022 là năm đầu tiên Lê Mỹ Linh (24 tuổi, Hà Nội) sửa soạn mâm cỗ tiễn ông Công ông Táo, tất niên cho gia đình nhỏ của mình.

“Trước giờ, mình chỉ biết sơ sơ mâm cỗ có những món nào, chạy vặt phụ mẹ trong bếp. Chồng mình thì biết nhiều hơn về cách chuẩn bị trên bàn thờ và có lên mạng tìm hiểu thêm. Mỗi người gộp lại một ít”, Linh kể.

Theo Linh, tiêu chí của vợ chồng cô là làm mâm cỗ gọn, nhẹ, không cần cầu kỳ, bày biện nhiều, đơn giản nhất có thể, thành tâm là chính.

Lan dau lam mam co tat nien cua vo chong tre-Hinh-4

Vợ chồng Mỹ Linh phối hợp cùng nhau để lo cho mâm cỗ Tết đầu tiên của gia đình nhỏ.

Vậy nên, cô không cần “đánh vật” với chuyện làm cỗ, chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu từ tối hốm trước và sáng hôm sau mua thêm rau, hoa quả rồi bắt tay vào làm.

Sáng hôm làm mâm cỗ tất niên, Linh dậy từ sớm để đi chợ, cốt mua được đồ tươi, ngon, đúng ý. Hai vợ chồng, người đứng bếp xào nấu, người lo sắp xếp mâm ngũ quả, lau dọn bàn thờ, phối hợp cùng nhau sao cho kịp giờ thắp hương tổ tiên.

“Mâm tất niên, hai đứa tự xoay xở hết được, song một số món mình mua chứ không làm. Nem cuốn có họ hàng trong nhà bán, nem chua rán và khoai môn lệ phố cũng mua trong siêu thị, mình chỉ cần rán. Thịt gà làm sẵn ngoài chợ, mình luộc xong đến việc chặt thịt thì nhờ chồng ‘ra tay’. Với vợ chồng trẻ, mua những đồ dễ chế biến như vậy sẽ thuận tiện hơn”, Linh cho hay.

Lần đầu tự làm, cặp vợ chồng trẻ khó tránh khỏi một vài sai sót.

“Cái gì lần đầu khó mà hoàn hảo. Hôm làm mâm ông Công ông Táo, mình quên cắm cơm, chồng định cắt tỉa chân hương lại cho đẹp nhưng không thành công lắm. Đến hôm làm mâm tất niên, mọi thứ trơn tru hơn vì cả hai đã có thêm chút kinh nghiệm”.

Hoàn tất hai mâm cỗ Tết, Linh chia sẻ cô khá hài lòng với thành quả. Những năm sau, hai vợ chồng có thể sẽ cầu kỳ, bày biện thêm khi đã làm quen.

Lan dau lam mam co tat nien cua vo chong tre-Hinh-5

Với quan niệm làm đơn giản, lòng thành là chính, Mỹ Linh hài lòng với mâm cơm tất niên do cô lần đầu tự tay chuẩn bị.

“Có lo lắng vì sợ chuẩn bị thiếu đồ, mệt vì dậy sớm và tất bật trong bếp song bản thân vui lắm vì mình cũng làm được một mâm cơm đơn giản nhưng đầy đủ, ngon lành khi không có người lớn giúp cùng. Nhờ đó, mình cũng hiểu rõ mọi năm, cha mẹ mình đã vất vả thế nào khi lo liệu đủ thứ cho Tết.

Ngoài ra, đây cũng là trải nghiệm ý nghĩa khi cùng bạn đời sắm sửa năm mới, ra dáng một gia đình thực thụ. Cả hai thấy gắn kết, trưởng thành và có thêm kỷ niệm đáng nhớ”, Linh bày tỏ.

Chín chắn, "người lớn" hơn cũng là cảm giác mà Thùy Dương (25 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) cảm nhận về lần đầu lo mâm cỗ ngày Tết.

Ở riêng, chỉ có hai vợ chồng tự xoay xở với nhau, Thùy Dương lên mạng tìm hiểu từ trước những thứ cần thiết.

"Mâm cỗ đơn giản thôi nhưng mình cũng mất 2 tiếng mới xong xuôi, nấu không liền mạch vì vướng con nhỏ mới mấy tháng tuổi. Về phần chồng mình, anh lo dọn dẹp nhà cửa, bày biện trang trí, rửa bát và chơi với em bé trong lúc mình bận nấu nướng", cô kể.

Lan dau lam mam co tat nien cua vo chong tre-Hinh-6

Ở riêng, nhiều vợ chồng trẻ có trải nghiệm lần đầu tự lo sắm Tết, nấu cỗ Tết.

"Năm nay, mình chỉ lo liệu mâm cơm tiễn ông Công ông Táo. Nhà ít người, còn phải chăm con nhỏ nên chủ đích làm cơ bản thôi vì mình quan trọng cái tâm trước.

Mình quan niệm tùy vào điều kiện gia đình mà làm cầu kỳ hay không. Chuyên nghiệp, đẹp mắt, ngon miệng là tốt nhất nhưng trong hoàn cảnh chưa cho phép thì mình cứ thành tâm là được.

Lễ lạt chỉn chu cũng là một trong các yếu tố nữ công gia chánh, vun vén cho gia đình nên dù không phải người yêu thích việc nấu nướng, mình sẽ học hỏi dần dần", Thùy Dương bày tỏ.

Theo Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)