Giới trẻ Trung Quốc 'lạnh nhạt' với hàng mới

Google News

Khó khăn tài chính và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường khiến giới trẻ Trung Quốc có xu hướng lạnh nhạt với đồ mới, ưu ái mua đồ secondhand.

Cô Kang Yu (24 tuổi), một nghiên cứu sinh ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc chuyển sang mua các món đồ đã qua sử dụng (secondhand) từ 4 năm nay để duy trì khả năng độc lập tài chính, giữa lúc nền kinh tế rơi vào khó khăn và bất ổn. 

Những món đồ cũ mà cô Kang đã mua chủ yếu là thiết bị cỡ lớn như đồ dân dụng và nội thất. “Những đồ dùng mới cỡ lớn sẽ rất đắt đỏ, nhưng mua đồ cũ sẽ có giá rẻ hơn và có lợi cho cả người bán lẫn người mua. Việc bỏ đi những đồ dùng cỡ lớn cũng rất rắc rối, nên ai đó mua lại và mang đi là điều rất tốt”, cô Kang chia sẻ. 

“Nếu như những món đồ cần mua không nhất thiết phải là đồ mới như quần áo lót và bít tất, tôi sẽ cân nhắc mua đồ cũ để dùng”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Kang. 

Gioi tre Trung Quoc 'lanh nhat' voi hang moi
Mua đồ secondhand đang trở thành xu hướng thịnh hành trong giới trẻ Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Ưu ái mua đồ secondhand 

Trên thực tế, cô Kang đang là 1 trong hơn 23 triệu người dùng trên các nền tảng thương mại điện tử bán đồ secondhand ở Trung Quốc. Giá trị giao dịch của các nền tảng này đã đạt con số 240,12 tỉ nhân dân tệ (33,8 tỉ USD) trong nửa đầu năm 2022. Theo nền tảng nghiên cứu thị trường www.100ec.cn, doanh thu vào cuối năm nay của các nền tảng bán đồ cũ có thể lên tới 480,24 tỉ nhân dân tệ, tăng 20% so với năm ngoái.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh trong hàng thập niên đã kích hoạt hoạt động mua sắm hàng hóa ồ ạt của người dân Trung Quốc. Không ít món đồ cũ nhưng vẫn sử dụng được đã bị bỏ xó để thay thế bằng đồ mới. Một khi mua đồ mới, hiếm khi người dùng ngó tới đồ cũ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế rơi vào khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, thị trường đồ secondhand không chỉ nở rộ, mà còn là phương thức tiết kiệm tiền hữu dụng. 

“Việc mua sắm quá mức của người dân dẫn tới tổng số lượng hàng hóa đã qua sử dụng tăng rất mạnh, đồng thời làm tăng mức độ cạnh tranh của thị trường đồ cũ, những món đồ được bán với giá thấp sẽ thu hút được nhiều người mua”, ông Peng Zhiwei, nhà phân tích tại đơn vị tư vấn nghiên cứu thị trường huaon.com nhận định. 

Cũng theo ông Peng, quy mô của thị trường đồ secondhand ở Trung Quốc sẽ tiếp tăng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu sụt giảm, dịch bệnh hoành hành và xung đột địa chính trị liên miên. 

Nghiên cứu của www.100ec.cn cho thấy số lượng người dùng trên các nền tảng thương mại điện tử bán đồ cũ ở Trung Quốc sẽ đạt 263 triệu vào nửa cuối năm 2022, tăng từ con số 243 triệu trong nửa đầu năm nay, tương đương tăng 8,23%.

Đồ cũ càng rẻ càng nhiều người mua

Cô Kang nói rằng cô càng phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm được nhiều tiền hơn nữa trong giai đoạn dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, và giữa lúc nhiều công ty đang phải gồng mình vượt qua khó khăn tài chính khiến cô không thể tìm được công việc sau khi lấy bằng thạc sĩ ngành truyền thông. 

“Có thể trước đây khi nhìn giá của món đồ cần mua và nhận thấy nó không quá đắt, tôi sẽ cân nhắc mua đồ mới, nhưng hiện tại tôi sẽ chọn đồ cũ để thay thế. Dịch bệnh đã khiến tôi thay đổi niềm yêu thích trước món đồ mới. Tôi từng cân nhắc mua các món đồ mới nhưng không quá đắt, nhưng giờ tôi chọn phương án mua những đồ đã qua sử dụng có giá càng rẻ càng tốt”, cô Kang cho hay. 

Theo báo cáo mang tên "China Second-Hand Trade Carbon Emission Reduction Report" được Đại học Thanh Hoa và Frost & Sullivan công bố hồi năm ngoái, tổng giá trị mua bán đồ cũ ở Trung Quốc là 300 tỉ nhân dân tệ vào năm 2015 bao gồm doanh số bán online và offline. Dự báo tới năm 2025, con số này sẽ tăng lên gấp 10 lần là 3 nghìn tỉ nhân dân tệ. 

Không chỉ chiếm tỷ lệ lớn trong lĩnh vực tiêu dùng, khách hàng trẻ tuổi còn đang thể hiện mức độ nhận thức rõ hơn về vấn đề bảo vệ môi trường và quan niệm thoáng hơn trước đồ đã qua sử dụng so với thời của cha mẹ và ông bà. Đây chính là cơ hội để các nền tảng thương mại điện tử mua bán đồ secondhand bùng nổ ở Trung Quốc. Thậm chí, các nền tảng mua sắm online như Alibaba còn cho ra đời ứng dụng giao dịch đồ cũ Idlefish với hơn 300 triệu người dùng vào năm ngoái để giúp hoạt động mua bán trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. 

Ngoài ra, không ít cá nhân cũng tự xây dựng cộng đồng mua sắm online để giao dịch các món đồ secondhand như cô Li Ziqing (24 tuổi) ở Thượng Hải. Nhóm mua bán đồ cũ của cô Li có 500 thành viên và được giao hàng trong phạm vi trường đại học để tránh phải chờ đợi vận chuyển giao hàng.

Hay cô Wu Long-lei (22 tuổi) ở tỉnh Quảng Tây, người chuyên bán online điện thoại cũ để kiếm tiền từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, cho biết điện thoại cũ đang là món hàng ngày càng được yêu thích trong 2 năm trở lại đây. 

“Những người mua điện thoại cũ thường là sinh viên và người trẻ mới đi làm. Nhưng dù giá bán điện thoại cũ đã rẻ, người mua vẫn muốn mặc cả xuống giá thêm”, cô Wu nói. 

Theo Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)