Được khánh thành từ tháng 9/1936, ga Nha Trang tọa lạc ngay trung tâm thành phố và đã đón biết bao lượt hành khách đến - đi trong 85 năm qua. Đặc biệt, nhà ga còn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tương tự như ga Đà Lạt, nhà ga Nha Trang có lối kiến trúc châu Âu và là một trong những điểm "check-in" xịn sò của đông đảo bạn trẻ và khách du lịch để có những tấm ảnh với phong cách hoài niệm “một ngàn chín trăm hồi đó”.
Trước thông tin nhà ga Nha Trang sẽ được di dời ra ngoại thành và có kế hoạch sử dụng đất ở khu vực này để xây chung cư, trung tâm thương mại, bạn Quang Minh (Nha Trang, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM) chia sẻ:
“Mỗi lần về quê, nếu thích hợp thì mình sẽ chọn đi tàu vì cảm giác rất đặc biệt. Từ TP.HCM đi Nha Trang tầm 8 tiếng và mình thỏa thích ngắm nhìn cảnh vật trôi vun vút bên ngoài cửa sổ tàu. Mình ở ngay trung tâm TP. Nha Trang nên đi từ nhà ra ga và ngược lại sẽ rất nhanh. Sau này, nếu nhà ga chuyển ra vùng ngoại thành cần phải có tuyến đường để mọi người di chuyển thuận tiện từ nhà ga mới về trung tâm thành phố và ngược lại”.
Anh Huỳnh Trọng Văn, sinh sống ở khu vực gần nhà ga Nha Trang, cho biết: “Vào dịp Lễ Tết, khá đông người đến chụp ảnh tại nhà ga nên thường gây tình trạng ùn tắc giao thông, thậm chí khá nguy hiểm. Việc di dời nhà ga hẳn sẽ gây tiếc nuối với nhiều người nhưng để đảm bảo an toàn thì rất nên”.
Bạn Trần Quỳnh (học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) có chút tiếc nuối nhưng cũng ủng hộ phương án di dời nhà ga:
“Mỗi lần đi hay về Nha Trang, mình đều phải bước qua cửa ga nên nơi đây giống như một phần không thể thiếu của Nha Trang trong mình vậy đó. Chưa kể, ga Nha Trang còn rất đẹp nên ảnh chụp ở đây phải nói là rất đỉnh luôn. Tuy nhiên, ga Nha Trang nằm ngay giữa trung tâm thành phố đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đồng thời còn ảnh hưởng đến chất lượng an toàn đường sắt nữa. Mình nghĩ lý do di dời ga cũng hợp lý và mong nhà ga sẽ được bảo tồn tốt vì nơi đây là một di tích lịch sử, một biểu tượng thân thuộc của đông đảo người dân phố biển".