Theo khảo sát của WEF, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới, 67% tin rằng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.
Khảo sát,được thực hiện bởi WEF và Sea, một trong những công ty Internet hàng đầu trong khu vực. Kết quả được thu thập từ 64.000 công dân ASEAN thông qua tài khoản Garena và Shopee, hệ thống trò chơi và giao dịch điện tử của Sea. Hầu hết những người tham gia đến từ 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.
|
Giới trẻ Việt trung bình dành 5 tiêng 10phút mỗi ngày để online, thấp nhất khu vực, còn Thái Lan cao nhất khu vực với thời gian trung bình online là 7 tiếng 6 phút. Ảnh: TL |
Mức độ lạc quan về tác động của công nghệ tới việc làm thay đổi theo từng quốc gia. Giới trẻ Singapore và Thái Lan tỏ ra bi quan hơn, trong khi giới trẻ Indonesia và Philippines tỏ ra lạc quan hơn. Tại Singapore, chỉ có 31% tin tưởng rằng công nghệ sẽ mở ra những cơ hội việc làm mới – con số này là gấp đôi tại Philippnes.
Kết quả cũng thay đổi theo trình độ học vấn – trong số những người không được tiếp cận giáo dục truyền thống, có tới 56% tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm; con số này với những người đã tốt nghiêp đại học chỉ là 47%.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF, ông Justin Wood, nhận định: “Những công nghệ mới đến từ CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, xe tự hành sẽ làm xáo trộn đáng kể thị trường việc làm. Chưa ai có thể khẳng định về tác động của những công nghệ này tới việc làm và thu nhập. Có người lo rằng những thay đổi về mặt công nghệ sẽ làm tăng bất bình đẳng thu nhập và tình trạng thất nghiệp. Nhưng tại ASEAN, mọi người có vẻ lạc quan hơn nhiều”.
Việc làm tại các tổ chức xuyên quốc gia và chính phủ được yêu thích
Khảo sát cũng đặt câu hỏi với thanh niên về nơi họ đang làm việc ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Theo đó, có 58% số người được hỏi đang làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ - hoặc là của họ, của gia đình, hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Một phần lớn trong số họ (1 trên 4 người được hỏi) mong muốn được thành lập doanh nghiệp riêng của mình.
Tuy nhiên, nhiều người làm trong các SME cho biết họ mong muốn được làm việc tại nơi khác. 17% làm việc trong các SME, nhưng chỉ có 7% cho biết sẽ tiếp tục công việ của mình trong tương lai.
Ngược lại, kết quả cho thấy có nhiều người mong mong muốn làm việc tại các tổ chức xuyên quốc gia có trụ sở tại nước ngoài (10% ở thời điểm hiện tại, 17% trong tương lai) và cho chính phủ (13% ở thời điểm hiện tại, 16% trong tương lai).
Kết quả này cũng cho thấy ưu tiên trong việc ổn định thu nhập, đặc biệt là khi độ ổn định trong công việc của các tổ chức nhỏ thấp hơn các tổ chức lớn hơn. Tuy nhiên, kết quả trong một số nước cho thấy tinh thần khởi nghiệp, ngay cả khi nó ẩn chứa nhiều rủi ro, gia tăng tại một số quốc gia. Tại Thái Lan, 26% người trẻ làm việc tự do – con số này tại tương lai là 36%, trong khi ở Việt Nam, thông số này là 19 – 25%.
Ông Santitarn Sathirathai, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Sea, nhận định: “Động lực khởi nghiệp trong giới trẻ tại ASEAN, với 1 trên 4 người được hỏi mong muốn có doanh nghiệp của riêng mình, là đáng khích lệ. Tuy nhiên, kết quả này cũng cho thấy các SME có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực trong tương lai, khi chỉ có một phần nhỏ giới trẻ trong khu vực muốn làm việc trong những SME như vậy. Về lâu dài, tăng cường áp dụng công nghệ số trong các SME để đảm bảo các doanh nhân trẻ và doanh nghiệp nhỏ có đủ tài nguyên phát triển sẽ là rất quan trọng”.
Khảo sát cũng tiết lộ rằng, giới trẻ ASEAN dành trung bình 6 tiếng 04 phút mỗi ngày để sử dụng Internet, với 61% dùng để giải trí và 39% dùng để làm việc.
Trong số những quốc gia được khảo sát, giới trẻ Thái Lan đứng đầu về số thời gian online, với 7 tiếng 06 phút. Con số này tại Việt Nam, quốc gia thấp nhất trong danh sách, là 5 tiếng 10 phút.