Giật mình vì tiền mừng đám cưới đủ mua cả căn nhà

Google News

Đối với những người ở độ tuổi 20 và 30, những thiệp mời đám cưới dày đặc có thể khiến phát sinh chi phí đáng kể. Chúng ta cần xác định rạch ròi ưu tiên của mình.

Theo Julia Carpenter, cây viết của tờ Wall Street Journal ở New York (Mỹ), cô đã chi 3.000 USD cho đám cưới trong năm ngoái - và cần làm rõ ở đây là khoản tiền này không phải để lên kế hoạch cho đám cưới của cuộc đời cô mà là để tham dự đám cưới với tư cách khách mời.
Đối với những người đang ở độ tuổi cuối 20 và 30, khoảng thời gian này chính là đỉnh điểm của cái gọi là mùa cưới. Đám cưới mang đến hàng chục thiệp mời xinh xắn mà cô dâu chú rể dụng công thiết kế và chăm chút, chiếc tủ lạnh chất đầy magnet “Save the Date!” và chiếc tủ quần áo tràn ngập những bộ váy đầm lộng lẫy. Nhưng nó cũng đi kèm với những chiếc vé máy bay tốn kém, chi phí khách sạn, quà cưới và các chi phí khác.
Hai em gái của Carpenter sắp kết hôn, cách nhau 10 tháng, vậy nên cô hiểu hơn ai hết câu chuyện mùa cưới này. Nhưng cô cũng không phải trường hợp hy hữu. Một người bạn thân của Carpenter đang di chuyển khắp đất nước để tham dự 10 đám cưới khác nhau, tất cả đều là bạn bè thân thiết và gia đình. Một người khác nói rằng anh ấy đã tham dự 6 đám cưới vào năm 2023 - thậm chí hai đám cưới còn diễn ra trong cùng một ngày.
Mọi người đều thích tới chúc phúc cho người thân, bạn bè trong ngày vui trăm năm - cũng là dịp mỗi người được đắm chìm trong tình yêu! - nhưng không thể phủ nhận rằng: Điều đó tạo ra một vết lõm không hề nhỏ trong tài khoản ngân hàng của chúng ta. Theo dữ liệu từ The Knot, những khách di chuyển bằng ôtô đến dự đám cưới chi trung bình 640 USD, và những khách mời đi máy bay để dự đám cưới chi 1.200 USD. Đó là chưa tính các chi phí phụ đi kèm với các sự kiện trước ngày trọng đại: tiệc độc thân, quà tặng cô dâu, đi lại để dự tiệc đính hôn…
“Ở một độ tuổi nhất định, bạn sẽ nhận 10 thiệp mới đám cưới trong một mùa hè”, Jen Doll, nhà văn và tác giả cuốn Save the Date: The Occasional Mortifications of a Serial Wedding Guest (tạm dịch: Sự hành xác nhất thời của một vị khách dự hàng loạt đám cưới), cho hay. Cô nói thêm: “Nếu bạn chi 8.000 USD cho những đám cưới đó, bạn có thể mua một căn nhà với số tiền như vậy”.
Giat minh vi tien mung dam cuoi du mua ca can nha
Chỉ cần nói không
“Tôi nghĩ tôi phải là người nói với bạn rằng bạn không thể tham dự bất kỳ bữa tiệc độc thân nào nữa trong năm nay” - một người bạn của Carpenter đã nói đùa như vậy, trêu chọc những chuyến đi xa liên tục gần đây của cô, tất cả đều dành cho những bữa tiệc độc thân, khi thì ở vùng nông thôn California, lúc ở bãi biển New Jersey và cũng có lần ở xứ sở rượu vang Texas.
Vấn đề của những khách mời ở trong “ma trận” đám cưới là biết rằng không nhất thiếr phải đến mọi bữa tiệc nhưng lại muốn tham dự. Carpenter chia sẻ bạn bè khuyên cô nên nghỉ ngơi đi khi nhìn thấy sự mệt mỏi trong ánh mắt cô vì phải liên tục di chuyển và lên kế hoạch tham dự các bữa tiệc. Chưa hết, hầu bao của cô cũng đang cạn kiệt.
“Chi phí rất tốn kém nhưng bạn vẫn muốn tới đó”, nhà văn Jen Doll nói với Wall Street Journal. “Bạn muốn là một người bạn tốt. Tôi vui vẻ đi dự tất cả đám cưới mà tôi được mời. Tôi không thể nghĩ ra đám cưới nào trong số đó mà tôi không muốn đến” .
Danielle Arlotta, trưởng nhóm lập kế hoạch tài chính tại Brooklyn Plans, cho biết cô thường nói chuyện với những khách hàng đang vật lộn với vấn đề tương tự của Carpenter: học cách lựa chọn khi được mời tới rất nhiều đám cưới.
“Không chỉ là đi dự đám cưới mà còn nhiều sự kiện trước đám cưới: tiệc độc thân, tiệc đính hôn…”, Arlotta phân tích. “Ngày càng nhiều khách hàng của tôi phải vật lộn để lập kế hoạch cho những bữa tiệc như vậy, và chi phí rất lớn, vì vậy nó có thể khiến bạn choáng ngợp".
Arlotta giúp khách hàng của mình lùi lại một bước và xem xét toàn bộ lịch trình: Những đám cưới này diễn ra khi nào? Chúng sẽ diễn ra ở đâu? Tôi có những khoản chi nào khác diễn ra cùng với những ngày này? Từ đó, Arlotta khuyên bạn nên đánh giá các sự kiện riêng lẻ trước ngày trọng đại và tùy thuộc vào mức độ gần gũi của bạn với người đó, hãy đặt câu hỏi trực diện xem điều gì là quan trọng nhất đối với những người sắp kết hôn.
Arlotta nói: “Ngay cả đối với một người, họ cũng có ba đám cưới trong một năm và đối với mỗi đám cưới khác nhau, họ có ba mối quan hệ khác nhau với mỗi người”.
“Quyết định điều gì là quan trọng nhất đối với từng cặp đôi sắp cưới đã mời bạn. Như tôi đã nói, một người có thể là đồng nghiệp, một người khác có thể là bạn, vì vậy bạn đều muốn dự đám cưới của họ. Hãy đảm bảo rằng bạn có mặt tại đám cưới không chỉ vì những gì bạn nghĩ là quan trọng mà còn vì những gì thực tế đối với bạn.
Doll cho rằng cô dâu và chú rể đôi khi cũng cần thực tế một chút. Mùa cưới có thể khiến mọi người quay cuồng, nhưng nếu các cặp đôi cân nhắc về khách mời và nhu cầu của mình, họ sẽ hiểu rằng không phải ai cũng có thể đến được mọi bữa tiệc.
“Chúng ta nói rất nhiều về các cặp đôi, và mặc dù điều đó quan trọng, thú vị và tình yêu là một điều tuyệt vời nhưng những khách đến dự đám cưới thường là một phần quan trọng của đám cưới như mọi thứ khác”, nữ nhà văn chia sẻ.
“Nếu bạn sắp tổ chức một đám cưới, hãy thử nghĩ về những gì bạn mong muốn từ khách mời. Nếu bạn thực sự muốn tổ chức một đám cưới ở tận Fiji, hãy hiểu rằng không phải ai cũng có thể đến dự và điều đó không có nghĩa là họ không coi trọng bạn”.
Giat minh vi tien mung dam cuoi du mua ca can nha-Hinh-2
Cô dâu chú rể cũng cần suy nghĩ thực tế để việc tham dự đám cưới trong trở thành gánh nặng với khách mời. Ảnh minh họa: New York Times.
Học cách thỏa hiệp
Nhà văn Doll nói rằng học cách thỏa hiệp có thể làm cho quá trình lập kế hoạch này bớt căng thẳng hơn đối với khách dự đám cưới. Khi bạn nhận được lời mời “Save the Date” chính thức, đó là lúc bạn tính toán số tiền có thể dành ra một cách hợp lý để tham dự đám cưới này và các sự kiện phụ đi kèm. Nếu nó khiến bạn phải gánh nợ hoặc tiêu lạm và tiền tiết kiệm của mình, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ phải đi đến một số thỏa hiệp, chẳng hạn như tham dự ít sự kiện trước lễ cưới hơn hoặc ở lại ít thời gian hơn trong lễ cưới chính.
“Bạn cần phải có những ranh giới khá vững chắc, nhưng điều đó thực sự nói dễ hơn là làm”, Doll nói. “Đừng cảm thấy thất bại khi bạn không thể ôm đồm tất cả vì tài khoản ngân hàng của mình có hạn”.
Carpenter cho hay sau khi nói chuyện với Doll và Arlotta, cô nhìn lại lịch đi ăn cưới của mình trong năm 2024: hai đám cưới, cả hai đều liên quan tới những người cô vô cùng yêu quý. Trong khi đó, bạn gái của Carpenter cũng đề cập đến một đám cưới khác mà cô ấy muốn Carpenter tham dự với tư cách “plus-one” (người thương).
Trong nhiều năm, sau khi tham dự nhiều đám cưới, Carpenter đã đi đến những thỏa hiệp của riêng mình. “Với một bữa tiệc độc thân, tôi thiết lập tài khoản SplitWise hoặc theo dõi xem ai đang gánh những chi phí nào. Bằng cách đó, vào tiệc cưới chính, tất cả chúng tôi đều có thể đảm bảo rằng một người không phải gánh thêm gánh nặng lớn hơn về chi phí chung”, Carpenter chia sẻ.
Cô nói thêm: “Và đám cưới ở xa cần di chuyển đường dài, tôi sẽ không mua quà theo sổ đăng ký; thay vào đó, tôi cố gắng tặng cặp vợ chồng mới cưới thứ gì đó nhỏ hơn, thường là thủ công”.
“Nhận là quà những món đồ thủ công nhỏ bé của tôi hay một món đồ nhà bếp trị giá 200 USD (như trong sổ quà cưới), thì cô dâu chú rể cũng đều vui thích cả. Một trong những người bạn thân nhất của tôi đã treo những bông hoa ép đóng khung do tôi tặng cho vợ chồng cô ấy, ở một vị trí nổi bật phía trên bàn ăn. Thỉnh thoảng, tôi nhận thấy nó trong nền Zoom của cô ấy. Và chúng tôi cùng mỉm cười”.
Theo Đan Phạm / Znews

>> xem thêm

Bình luận(0)