Trường hợp mẹ đập nát điện thoại của con và chia sẻ câu chuyện lên mạng để cảnh báo các bậc phụ huynh khác khi thấy con mình bị đối tượng xấu dụ dỗ xem hình ảnh nhạy cảm đang là một trong những sự kiện được bàn luận nhiều trong tuần qua. Trước sự việc trên, nhiều bạn trẻ thừa nhận họ cũng từng gặp phải trường hợp tương tự trước đây và rất muốn bày tỏ ý kiến, đưa ra một số mong muốn để giúp bố mẹ tiếp cận, hiểu tâm lý con cái hơn.
"Cảm thấy bị kiểm soát thay vì đưa ra lời khuyên khách quan"
Bạn Thùy Chinh (sinh năm 2003, sinh viên ĐH Thương Mại) cũng đã từng bị bố mẹ kiểm tra điện thoại, tin nhắn khi học cấp 3. Đó là thời gian đầu cô bạn được bố mẹ cho sử dụng điện thoại để thuận tiện liên lạc trong quá trình đi học.
Chinh không cảm thấy giận hay trách bố mẹ vì đã kiểm tra điện thoại của mình nhưng em nói: "Em cảm thấy bị kiểm soát thay vì nhận được lời khuyên sử dụng điện thoại đúng cách từ bố mẹ. Khi đó, em cũng từng đã "giấu mình", ít nói chuyện với bố mẹ hơn và dè dặt khi nói chuyện với bạn bè.
Hiện tại, khi đã là sinh viên đại học, em cảm thấy mình có không gian riêng tư hơn để trò chuyện, để tìm kiếm thông tin, trang bị những kiến thức về giới tính. Là người ngại nói chuyện nhạy cảm với bố mẹ, em nghĩ việc tự học, tự đọc trên mạng sẽ nhanh hiểu và tránh mắc sai lầm hơn. Tất nhiên, tìm hiểu thông tin để biết, chắt lọc và tránh là điều rất quan trọng."
|
Thuỳ Chinh, sinh viên năm nhất ĐH Thương Mại. Ảnh: NVCC
|
Cùng quan điểm với Thùy Chinh, nữ sinh Diệu Linh (20 tuổi, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội bày tỏ: "Mình cũng từng bị mẹ xem tin nhắn nhưng không quá nặng nề như nhiều trường hợp khác. Mình cho rằng, bố mẹ cần đưa ra lời khuyên khách quan trên cương vị là một người đã từng có kinh nghiệm, kiến thức về vấn đề đó để con hiểu ra mình cần làm gì và hành động ra sao".
|
Bạn Diệu Linh, sinh viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: NVCC
|
"Phụ huynh có quyền theo dõi xu hướng tiếp cận thông tin của con cái nhưng cần tinh tế hơn"
Tuy chưa bị bố mẹ kiểm soát quá khắt khe hoạt động trên mạng xã hội nhưng bạn Đặng Huyền cũng cảm thấy khó chịu khi đọc được thông tin về câu chuyện mẹ đập nát điện thoại của con trong tuần qua. Nữ sinh trường Báo bày tỏ ý kiến về việc phụ huynh xâm phạm không gian riêng tư của con:
"Phụ huynh có quyền kiểm tra, theo dõi xu hướng tiếp cận thông tin của con cái để có hướng điều chỉnh hành vi, thói quen của con nhưng phải thật tinh tế.
Còn nếu công khai hành vi xem ảnh nhạy cảm của con lên để làm ví dụ minh họa cho các phụ huynh khác thì sẽ phản tác dụng. Bởi ở tuổi dậy thì, bạn nào cũng sẽ tò mò và muốn tìm hiểu về các vấn đề nhạy cảm một cách kín đáo. Khi bị công khai lên mạng xã hội, bạn ấy sẽ rất dễ mắc tâm lý tự ti, khép kín, và nghĩ "bố mẹ không hiểu mình".
Không chỉ gây tổn thương cho đứa trẻ, nó còn bị ám thị "con cái hư hỏng", bị mặc cảm với mọi người xung quanh. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ngay cả người lớn và trẻ nhỏ đều nhạy cảm, dễ bị kích động tâm lý".
|
Bạn Đặng Huyền (20 tuổi) là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC
|
Mong muốn các bậc phụ huynh có cách giáo dục con tinh tế hơn, bạn Thanh Tâm (cựu sinh viên xuất sắc ĐH Luật Hà Nội) cho rằng:
"Mình nghĩ, hành động chia sẻ câu chuyện lên mạng của người mẹ có thể gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực cho cậu bé, khiến em xấu hổ với những người xung quanh. Thực ra, ở độ tuổi của cậu bé cũng đã bắt đầu có nhu cầu tự tìm hiểu về giáo dục giới tính, phải chăng là cách nhìn của người lớn còn chưa thoáng về vấn đề này. Các bậc phụ huynh cũng thường “giấu” con về giáo dục giới tính. Chính vì không có ai hướng dẫn nên việc tìm hiểu của cậu bé bị sai cách.
Thay vì hành động như vậy, người mẹ có thể tâm sự cùng con, chỉ ra cho con thấy hành động đó của con là chưa phù hợp với độ tuổi và hướng dẫn con tìm hiểu về giáo dục giới tính một cách an toàn và lành mạnh hơn".
|
Bạn Thanh Tâm từng là sinh viên xuất sắc của ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: NVCC
|