Mới đây, tại phiên chất vấn cuộc họp lần thứ 17 HĐND TP HCM (16/7), Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM trả lời đại biểu về giải pháp xử lý tin giả, xấu độc trên mạng đã kiến nghị cần có quy định tài khoản mạng xã hội đã được định danh mới được bình luận. Kiến nghị này nhanh chóng trở thành tâm điểm được dư luận quan tâm. Bởi lẽ, thời gian qua tin giả, tin xấu, độc là vấn nạn nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân và xã hội.
|
Câu chuyện định danh tài khoản MXH mới được bình luận trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi những ngày qua. Ảnh: MXH |
Bạo lực mạng từ các tài khoản ẩn danh
Sau nhiều lần ca sĩ Midu (tên thật Đặng Thị Mỹ Dung - PV) bị tài khoản Tiktok có tên “Chưa Biết” và tài khoản This is Mặt Nạ trên Facebook đăng tải nhiều thông tin vu khống, không có căn cứ… tháng 5/2024, ca sĩ này đã làm đơn khởi kiện chủ nhân 2 kênh trên. Tuy nhiên, do đây là những tài khoản ẩn danh, việc xác định được chủ thể đứng sau kênh phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc.
Thậm chí, có thể khó xác minh được đối tượng nếu chúng ở nước ngoài. Trong quá trình chờ cơ quan chức năng giải quyết, các tài khoản này vẫn đăng tải video, thông tin tấn công Midu và nhiều nghệ sĩ khác, công khai việc kênh bị khởi kiện như một hành động thách thức pháp luật.
|
Midu trở thành nạn nhân của các tài khoản ẩn danh khiến cô phải nộp đơn khởi kiện vì bị vu khống, bôi nhọ. Ảnh FBNV |
Nội dung của các kênh thường “đào bới” những câu chuyện tình cảm, những lùm xùm trong gia đình, các scandal chấn động của những người nổi tiếng trong showbiz. Thậm chí chúng bóng gió, tung tin thất thiệt chưa được kiểm chứng; những tin đồn, suy đoán, hay cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh để tạo dựng câu chuyện theo ý muốn mang tính giật gân, câu khách, đánh vào sự tò mò, hiếu kỳ của người xem gây dậy sóng mạng xã hội qua đó câu like, câu view để kiếm tiền quảng cáo trực tuyến.
Tương tự Midu, nữ TikToker L.P.A sinh năm 2002 sở hữu gần 640.000 lượt theo dõi, được cộng đồng mạng yêu mến cũng là nạn nhân của kênh “Chưa Biết”. Cô liên tục bị kênh ẩn danh này tung tin về quá khứ nhạy cảm, lùm xùm tình ái lẫn chuyện tình - tiền khiến cô stress đến mức lộ trạng thái bất ổn, suy nghĩ tiêu cực, nhắc đến việc không thiết sống nữa khi livestream khiến dư luận lo lắng.
Còn anh Đồng Văn Tuấn (quê Nam Định, người được cộng đồng mạng tung hô là anh hùng, “siêu nhân” khi cùng với 2 thanh niên khác dùng búa đập tường cứu người trong đám cháy xảy ra tại Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đêm 24/5/2024) cũng cho biết bản thân là nạn nhân của bạo lực mạng. Anh chia sẻ trên VTV, khi anh chuyển sang nghề livestream bán hàng có rất nhiều tài khoản mạng xã hội vào bình luận rất tiêu cực, chửi bới. Thậm chí theo Tuấn, có nhiều tài khoản mạng xã hội ẩn danh còn vào nhắn tin dọa nạt, xin tiền…
Lập Fanpage ẩn danh đăng bài chống phá chính quyền
Năm 2022, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện Fanpage có tên "Nhật ký yêu nước" thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết với mục đích phỉ báng, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 7/7/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện người đứng sau trang này là Nguyễn Văn Lâm (SN 1991, ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
|
Bị cáo Nguyễn Văn Lâm tại phiên tòa. Ảnh CAND |
Theo tài liệu điều tra, qua mạng xã hội Lâm có tương tác và móc nối với những đối tượng phản động nước ngoài. Thông qua Fanpage có tên "Nhật ký yêu nước", Sở TTTT Tiền Giang giám định Lâm là chủ nhân đứng sau kênh và có 19 bài viết, 34 trang tài liệu có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân…
Ngày 26/3/2024, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt Nguyễn Văn Lâm 8 năm tù về tội "làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước".
Dùng tài khoản ẩn danh để bôi xấu, tấn công đối thủ kinh doanh
Chị Nguyễn Thị Khánh Linh (29 tuổi - làm việc lĩnh vực truyền thông) chia sẻ, rất nhiều người "núp sau" những tài khoản "vô danh" để tha hồ múa phím.
"Có những ngày mình phải xử lý hàng nghìn những báo cáo bình luận trên fanpage quản trị, có người đơn giản là spam, nhưng cũng có người của đơn vị đối thủ viết những câu từ rất nặng nề không đúng sự thật nhằm bôi nhọ danh dự của công ty mình" – chị Linh nói.
Việc không định danh được người dùng khiến các nhà kinh doanh online cũng gặp nhiều hiểm họa trong đó có màn chốt đơn ảo (mua hàng xong hủy) cũng là chuyện như "cơm bữa". Chia sẻ với PV, chị Cao Hoài Trang (36 tuổi - Hà Nội) cho hay: "Cảm giác khó chịu nhất của nhiều người bán hàng online như tôi đó là bị các nick clone (người dùng ẩn danh) vào chốt đơn ảo. Thậm chí, nhiều đơn hàng đã được gửi đi rồi nhưng phải quay đầu bởi người nhận không có thật. Điều này khiến người bán phải chịu tiền ship, đóng gói. Vậy nên việc định danh là điều tôi thấy toàn cần thiết".
“Nói thì dễ làm rất khó”
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về đề xuất định danh tài khoản mạng xã hội mới được bình luận, ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia (Hiếu PC - PV) bày tỏ quan điểm: Việc định danh trên MXH là vô cùng cần thiết trong bối cảnh thông tin xấu, độc, vấn nạn lừa đảo, tấn công mạng xảy ra rất nhiều và để lại nhiều hệ lụy khôn lường.
|
Ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia. Ảnh nhân vật cung cấp |
Việc định danh sẽ giúp người dùng bảo vệ được dữ liệu người dân, hạn chế tối đa những hệ lụy xấu. Tuy nhiên, việc định danh mạng xã hội cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Chúng ta chỉ có thể thực hiện tốt khi quản lý tốt các nền tảng MXH đa quốc gia. Song, đó là một điều thực sự khó vì liên quan đến những vấn đề vi phạm về quyền riêng tư, cá nhân trên nền tảng đó mà nhà nước khó có thể kiểm soát được" – Hiếu PC nói.
Chuyên gia cho biết thêm, hiện tại người dùng tại Việt Nam chủ yếu sử dụng những nền tảng MXH đa quốc gia, những doanh nghiệp quản lý mạng xã hội xuyên biên giới đó lại chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Khi vi phạm và bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ, xử lý… đa phần doanh nghiệp tìm cách né tránh.
Ngoài ra, việc định danh có thể khiến một bộ phận người dùng e ngại phải cung cấp thông tin cá nhân, đồng nghĩa với việc các dữ liệu ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú… cũng đều hiển thị. Vậy việc quản lý, bảo mật những dữ liệu này để không bị sử dụng vào mục đích xấu cũng là vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Ông Hiếu khẳng định: “Để làm trong sạch môi trường mạng thì việc định danh mạng xã hội là vô cùng cần thiết. Làm được điều này, tình trạng tin giả, tin độc tràn lan trên mạng sẽ không còn đất sống, những vi phạm tiêu cực, những hành vi phản văn hoá có thể được giảm thiểu rất nhiều trên không gian mạng. Tuy nhiên việc làm thế nào, làm ra sao vẫn là 1 bài toán khó.”
Người dùng mạng xã hội được định danh thế nào?
Trong dự thảo thay thế Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất tài khoản cần xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội, gồm cả trong nước và xuyên biên giới, phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Định danh tài khoản mạng xã hội là quá trình xác minh danh tính của người dùng trên nền tảng số. Chủ sở hữu tài khoản sẽ phải cung cấp thông tin của bản thân, như tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình.